Ngày 12-10, Bộ KH-CN, UBND TP Đà Nẵng tổ chức hội thảo “Mô hình tổ chức và hoạt động của trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST).
Thiếu - yếu - vướng
Tại hội thảo, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Phát triển thị trường và doanh nghiệp (Bộ KH-CN) cho rằng, mức chi cho các chuyên gia trong nước và nước ngoài rất thấp và thiếu. Việc đưa các startup trong nước ra nước ngoài và ngược lại chưa có cơ chế hỗ trợ; việc góp vốn vào các quỹ, quy định quản lý bảo toàn vốn của các doanh nghiệp khi sử dụng vốn cũng đang thiếu, vướng luật bảo tồn vốn. Nghị định 109 đưa ra nhiều quy định tốt, liên kết trường đại học, doanh nghiệp, tập đoàn, quỹ nhưng chưa có hướng dẫn chi tiết; luồng xanh cho thủ tục sở hữu trí tuệ vẫn chưa cụ thể…
Đáng chú ý nhất, hành lang pháp lý để quản lý, vận hành mô hình tổ chức và hoạt động của Trung tâm KNĐMST chưa rõ ràng nên nhiều địa phương còn lúng túng.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM chia sẻ. Ảnh: XUÂN QUỲNH |
Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM cho biết, địa phương đã hình thành Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TPHCM với chi phí hơn 320 tỷ đồng. Đây là đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động theo lĩnh vực KH-CN. Theo kế hoạch, địa phương sẽ sử dụng 2 tầng để hỗ trợ cho hoạt động của cộng đồng, còn lại các tầng khác sẽ mời các tổ chức KNĐMST của khu vực tư nhân tham gia. Tuy nhiên, khi thực hiện, địa phương vướng về cơ chế.
“Nhà nước có vai trò kiến tạo, nên chức năng hàng đầu của Trung tâm KNĐMST vẫn là cung cấp nguồn lực, cơ sở vật chất, hạ tầng,… cho cộng đồng. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa thể tham mưu cho UBND TPHCM vì chưa có cơ chế tài chính rõ ràng, chưa có hành lang pháp lý để thu hút khu vực tư nhân đầu tư. Việc này quy về câu chuyện cho thuê tài sản công. Tuy vậy, về bản chất thì không đúng. Bởi đây là mô hình đô thị sáng tạo trong đó có nhiều cơ sở vật chất do nhà nước cung cấp cho xã hội kêu gọi họ đầu tư”, ông Nguyễn Việt Dũng trình bày.
Ông Lê Đức Viên, Giám đốc Sở KH-CN Đà Nẵng trình bày tại hội thảo. Ảnh: XUÂN QUỲNH |
Đồng ý kiến, theo ông Lê Đức Viên, Giám đốc Sở KH-CN TP Đà Nẵng, hành lang pháp lý để quản lý, vận hành KNĐMST là còn bỏ ngỏ, nhất là cơ chế cho thuê sử dụng tài sản. Kể cả Quyết định 188 sửa đổi bổ sung cho Quyết định 844 về phê duyệt đề án phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia năm 2025 chỉ là văn bản hành chính cá biệt về một đề án cụ thể. Muốn thực hiện, phải chịu tác động của nhiều bộ luật khác. Bên cạnh đó, Thông tư 45 của Bộ Tài chính quy định rất rõ 1 năm không hỗ trợ quá 10 dự án; hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp mà 2 năm mới được làm 1 lần.
Hình thành mô hình chung
Tại hội thảo, cũng theo Giám đốc Sở KH-CN TP Đà Nẵng, nhất thiết phải hình thành một Trung tâm hỗ trợ KNĐMST quốc gia đủ mạnh với đầy đủ cơ chế pháp lý, chính sách ưu đãi phù hợp. Mô hình phải là đơn vị sự nghiệp công, phi lợi nhuận, Nhà nước đảm bảo 100% kinh phí hoạt động, có như vậy mới đủ mạnh.
Các gian hàng khởi nghiệp tại Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN QUỲNH |
Ông Lê Đức Viên cũng kiến nghị phải có chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân cho các hoạt động kinh doanh, mua bán chuyển nhượng vốn liên quan hoạt động đổi mới sáng tạo. Cần phải có quy định cho phép triển khai mô hình PPP cho việc đầu tư cơ sở ươm tạo, trung tâm nghiên cứu. Cần thiết có quy định cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực KH-CN, KNĐMST được khai thác tài sản công theo hướng Nhà nước quản lý, tư nhân khai thác vận hành thông qua đặt hàng.
Đề cập về giải pháp, ông Nguyễn Việt Long, Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Bình Dương cho rằng, cần có cơ chế đặc thù của Nhà nước để ưu đãi trong lĩnh vực này, không chỉ có khu vực công mà còn khu vực tư. Tuy vậy, phải hết sức cẩn trọng trong việc ồ ạt làm trung tâm KNĐMST, bởi không phải địa phương nào cũng làm, nếu thị trường chưa có, nhu cầu chưa bức thiết, có thể giẫm chân lên vai trò của vườn ươm.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: XUÂN QUỲNH |
“Phải thay đổi tư duy, nhận thức. Nguồn lực KH-CN đôi khi phải được xem như nguồn tài trợ chứ không phải đầu tư công, chấp nhận rủi ro, chấp nhận chờ đợi để sinh lời. Và KH-CN nếu sinh lời sẽ sinh lời rất lớn. Do vậy, cần có phương án để nâng cao vai trò của KH-CN, không trộn lẫn, không lồng ghép bởi đây sẽ là xu thế, nhiều nước trên thế giới đã làm”, ông Nguyễn Việt Long đề nghị.
Trong khi đó, theo ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân Nguyện, Ủy ban thường vụ Quốc hội, cần có chính sách đề xuất từ địa phương rút ra từ thực tiễn và thay đổi tư duy bởi người làm KH-CN phải chấp nhận mạo hiểm. Ông gợi ý việc Bộ KH-CN đề xuất Nghị quyết của Chính phủ, không phải văn bản quy phạm cho phép Thủ tướng có quyền ban hành một quyết định mới về một chính sách mới. Hay thông qua Đoàn Đại biểu Quốc Hội để Quốc Hội có Nghị quyết để ngành KH-CN triển khai. Đây là con đường khá nhất bởi lẽ nếu làm Nghị định phụ thuộc luật gia và thủ tục khá khó.
Ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ KH-CN kết luận tại hội thảo. Ảnh: XUÂN QUỲNH |
Sau phiên thảo luận, theo ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ KH-CN cho hay, hiện Bộ đang gửi trình Thủ tướng Chính phủ để xin ý kiến Quốc hội sử dụng, quản lý hiệu quả tài sản công. Chính sách này để phục vụ đẩy nhanh các sản phẩm dịch vụ đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp trên thị trường.
Đồng thời, thực thi công tác tổng hợp, báo cáo, đo lường, kiểm tra các chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá về hiệu quả hoạt động của trung tâm KNĐMST. Bộ KH-CN xem xét để sử dụng các tiêu chí này hỗ trợ kỹ thuật, chuyên gia quốc tế cho các địa phương. Hướng dẫn tiêu chí, chức năng của các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển đồng bộ, hiệu quả, từ đó xây dựng các hoạt động đúng hướng. Mỗi địa phương phải là chủ thể trong tổ chức, triển khai, thành lập, vận hành các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Địa phương với các hoạt động trọng tâm như đổi mới cung cấp, hướng dẫn, hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tổ chức các sự kiện mang tính khu vực và địa phương, đặt vấn đề với các bài toán khó khăn, thách thức của chính quyền cho các cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Đối với những đề xuất, cơ chế về chính sách hỗ trợ cho sự phát triển doanh nghiệp KNĐMST sẽ giao các đơn vị chức năng tổng hợp để trình lên các cấp có thẩm quyền bổ sung nhằm sửa đổi, ban hành mới văn bản pháp luật.