Tương tự, tại nút giao An Phú (TP Thủ Đức), phương tiện tuy đông nhưng di chuyển trật tự hơn. Thời điểm 6 giờ 30 đến 8 giờ, tuyến đường dẫn vào cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây ùn ứ cục bộ. Theo đại diện Bến xe miền Tây, hành khách đi về các tỉnh thông qua bến trong ngày 5-2 khoảng 80.000 lượt. Còn tại Bến xe miền Đông mới và cũ, các tuyến về miền Trung như: Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Phú Yên, An Nhơn, Nha Trang đã bán hết vé giường nằm.
Trưởng phòng Kế hoạch Bến xe miền Đông mới Trần Thanh Việt cho biết, đến thời điểm hiện tại, bến đã bán được 47.313 vé, còn lại 6.687 vé. Hiện bến đã hết vé xe giường nằm ở một số tuyến đường như: Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Phú Yên, An Nhơn, Nha Trang, Cam Ranh đến ngày 28 Âm lịch. Tuy nhiên, đơn vị vận tải vẫn tăng cường xe ghế ngồi phục vụ khách. Những ngày cuối cùng của năm như ngày 29, 30-12 Âm lịch, khách có nhu cầu đi xe giường nằm, trong bến vẫn bố trí xe phục vụ. Theo ông Việt, với những ngày cao điểm không còn xe giường nằm, hành khách có thể sử dụng xe ghế ngồi chất lượng cao để sử dụng dịch vụ tại Bến xe miền Đông mới đi về các tỉnh, thành phố.
Tại Bến xe miền Đông cũ (quận Bình Thạnh), vé giường nằm các tuyến đi Tây Nguyên như Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng... cũng hết, chỉ còn vé ghế ngồi và xe tăng cường. Khách đặt chỗ các ngày 27, 28 tháng Chạp đạt khoảng 99%, các ngày khác đạt khoảng 90%.
Tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, lượng hành khách đi về các tỉnh thành vẫn đông nhưng trật tự hơn so với những ngày trước đó. Giao thông bên ngoài sân bay cũng ổn định hơn. Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, theo số liệu từ Trung tâm Điều hành sân bay Tân Sơn Nhất, có 908 chuyến bay với khoảng 132.087 hành khách. Nhằm hỗ trợ hành khách làm thủ tục, đơn vị đã tăng cường 50 nhân viên từ 5 giờ - 9 giờ sáng (30 người/ca) 8 giờ -12 giờ, 14 giờ -18 giờ và 18 giờ - 22 giờ (10 người/ca); phối hợp công an cửa khẩu hướng dẫn hành khách đảm bảo luồng tuyến, đi lại trật tự.
Phó Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất Nguyễn Nam Tiến cho biết, đơn vị đã chủ động đưa ra các phương án phối hợp, bố trí nhân sự “đúng người đúng việc” để kịp thời cũng như điều tiết các phương tiện, không để xảy ra tắc nghẽn. Phối hợp triển khai kịp thời thông tin chuyến bay tại các khung giờ cao điểm để điều hòa, phân bổ nguồn lực cũng như tăng cường rà soát slot để khai thác phù hợp năng lực nhà ga.
"Xe dù, bến cóc" hoạt động mạnh ngày cận tết
Theo ghi nhận thực tế của PV Báo SGGP, trong ngày 5-2, trên đường Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, một loạt “xe dù” đậu dọc đường để đón khách cũng như vận chuyển hàng hóa.
Để tránh bị chú ý, các xe ô tô được đậu phía trong con đường ngay cạnh cây xăng, thoạt nhìn nếu không để ý sẽ chỉ nghĩ rằng xe tấp vào để đổ xăng. Đi sâu vào phía trong, có thể thấy nhà xe H. L. đậu sẵn để đợi khách.
Còn đoạn ngay chân cầu vượt tại vòng xoay ngã tư Bình Phước, phường Hiệp Bình Chánh, ngay trên Quốc lộ 13, hàng chục người ngồi đợi trước bãi xe Đ.N.
Tiếp tục đi theo Quốc lộ 13 đến đoạn gần Bến xe miền Đông cũ (quận Bình Thạnh), phía trong bến xe có hàng chục xe ô tô đậu phía trong để chờ khách, ngay sau khi xe chở khách lần lượt xuất bến thì cánh cổng sắt của bãi xe cũng được đóng lại một nửa, khép hờ để tránh lực lượng chức năng.
Theo ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách ô tô và du lịch TPHCM nhận định, để chấm dứt tình trạng này cần có sự phối hợp chặt chẽ của “ba chân kiềng” là lực lượng CSGT, chính quyền địa phương và Sở GTVT. Lực lượng CSGT có nhiệm vụ theo dõi, kiểm tra khu vực tại các nhà xe, Sở GTVT kiểm tra điều kiện hoạt động kinh doanh của nhà xe, đối với chính quyền địa phương cần rà soát lại các bến bãi đón trả khách.