Hành động vì một thành phố xanh: Rác đi, hoa nở

Hiện nhiều tuyến phố, khu dân cư, đường hẻm tại TPHCM được trang trí sạch đẹp với mảng xanh, công viên; ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh được nâng cao rõ rệt, trở thành thói quen tốt cho mỗi người dân.

LTS: Thời gian qua, cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước” theo Chỉ thị 19 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã đạt nhiều kết quả tích cực khi hàng trăm điểm tồn đọng rác thải được xử lý, chuyển hóa thành các khu vui chơi sạch đẹp, văn minh. Tuy nhiên, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, giảm rác thải đô thị cũng còn nhiều vấn đề cần khắc phục triệt để hơn.

Hiện nhiều tuyến phố, khu dân cư, đường hẻm tại TPHCM được trang trí sạch đẹp với mảng xanh, công viên; ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh được nâng cao rõ rệt, trở thành thói quen tốt cho mỗi người dân.

Đường rác thành đường hoa

Vườn hoa công viên Thanh niên (phường Tăng Nhơn Phú A, TP Thủ Đức) được cải tạo từ bãi rác rộng 2.000m2. Cho đến nay, công viên này vẫn là niềm tự hào của người dân khu phố 4, bởi lẽ, từ bãi rác thải lưu cữu nhiều năm, người dân trong khu phố đã chung tay cải tạo rồi phát triển thành công viên.

Ông Nguyễn Văn Thương, Trưởng khu phố 4, cho biết, người dân đã tự tay gom từng bịch rác, cắt từng gốc cỏ, cuốc đất rồi trồng từng khóm hoa, lát từng viên đá, bởi vậy mà họ rất trân trọng mảng xanh này. Nhìn mỗi buổi chiều người dân chia nhau tưới cây, nhổ cỏ, tỉa tót chậu cảnh… cho thấy sự chăm chút của họ dành cho mảng xanh ở nơi mình sinh sống.

Tại quận Phú Nhuận, sự đổi thay dọc tuyến đường sắt với những chậu hoa đủ màu sắc thay thế những đống rác trước đây cũng đã tạo nên hình ảnh đẹp mắt. Những chậu hoa từ vật liệu tái chế được treo dọc hàng rào tuyến đường sắt, cùng cây xanh được trồng dọc bên đường đã giúp tuyến đường sắt khoác một màu áo mới. Đây là công trình đường hoa dọc tuyến đường sắt do quận Phú Nhuận phát động, với sự chung tay của các tổ chức đoàn thể và người dân.

Ông Phạm Bảo Toàn, Trưởng phòng TN-MT quận Phú Nhuận, cho biết, để đảm bảo hoa được chăm sóc, duy trì và phát triển, các đoàn viên, thanh niên, cán bộ từng phường đã vận động người dân ngụ hai bên đường sắt chăm sóc theo từng khu vực. Việc này cũng giúp người dân có thói quen giữ gìn vệ sinh khu vực chung quanh đường sắt, xóa các điểm đen về rác.

Người dân phường 9, quận Phú Nhuận chăm sóc cây trồng để làm đẹp dọc tuyến đường sắt và môi trường sống

Người dân phường 9, quận Phú Nhuận chăm sóc cây trồng để làm đẹp dọc tuyến đường sắt và môi trường sống

Có dịp đi ngang tuyến kênh Hàng Bàng, đoạn từ đường Ngô Nhân Tịnh đến đường Chu Văn An (phường 2, quận 6), nhiều người vui mừng nhận ra sự đổi thay tích cực từ nơi này. Nếu ngày trước, tuyến kênh Hàng Bàng ô nhiễm nặng, người dân phải sống chung với mùi hôi thối thì nay, một đoạn kênh rộng thoáng, có bờ kè và nhiều cây xanh hai bên đang hiện hữu.

Hay từ khi bãi rác tại khu đất trống trên đường Phạm Văn Đồng (khu phố 7, phường 11, quận Bình Thạnh) được cải tạo thành công viên, trở thành nơi tập thể dục, vui chơi cho bà con xung quanh.

Bà Mai Thị Hòa, Tổ trưởng Tổ dân phố 106, khu phố 7, chia sẻ, từ ngày có công viên, sáng, chiều người dân đều ra quét rác, tưới cây, bọn trẻ thì chơi xích đu, chạy nhảy. “Trước đây, khu vực này là bãi rác, từ sự vận động của phường, người dân chung tay đóng góp hơn 400 triệu đồng để biến nơi này thành khu vui chơi, sinh hoạt chung”, bà Hòa chia sẻ.

Lan tỏa mô hình sống xanh

“Chị vui lòng ra khu vực bên ngoài bãi xe để lấy hộp giấy hoặc mua túi tái sử dụng ở quầy nhé, siêu thị không cung cấp túi ni lông”, nhân viên siêu thị MM Mega hướng dẫn một khách hàng. Đó là chủ trương của siêu thị MM Mega cũng như một số hệ thống siêu thị khác tại TPHCM khi không khuyến khích sử dụng túi ni lông khó phân hủy để góp phần bảo vệ môi trường.

Có thói quen dùng túi tái sử dụng, bà Nguyễn Ngọc Hân (ngụ TP Thủ Đức) cho biết, mỗi lần đi siêu thị về, bà giặt, phơi túi rồi gấp gọn để trong cốp xe, khi đi chợ hoặc siêu thị sẽ lấy ra dùng. Chỉ 10.000 đồng/túi loại lớn nhưng bà dùng được đến vài tháng, tiết kiệm được rất nhiều túi ni lông. “Trước đây, mua 5.000 đồng hành lá là phải sử dụng 1 túi ni lông, đi một vòng chợ về là cả chục cái túi ni lông lớn, nhỏ. Giờ chỉ cá, thịt là dùng túi ni lông riêng, còn lại rau củ tôi bỏ chung cả vào túi đem theo”, bà Nguyễn Ngọc Hân tâm sự.

Nhiều người dân cho biết, họ đã bỏ thói quen dùng túi ni lông, hộp nhựa từ nhiều năm nay. “Tôi đi mua đồ đem về, cửa hàng nào mà dùng hộp nhựa, ly nhựa là không bao giờ tôi quay lại lần thứ hai”, chị Hoàng Bích Thủy (ngụ quận Bình Thạnh) bày tỏ.

Chị Bích Thủy làm trong ngành truyền thông nên có dịp tham dự hội họp ở nhiều sở ngành, quận huyện của thành phố. Điều chị phấn khởi là hầu hết các cơ quan, ban ngành đều đang dần quen sử dụng ly giấy hoặc ly thủy tinh.

Ông Nguyễn Anh Minh (phường 8, quận 4) dành nhiều thời gian chăm sóc mảng xanh trên tường để tạo không gian sống xanh mát cho bà con xung quanh

Ông Nguyễn Anh Minh (phường 8, quận 4) dành nhiều thời gian chăm sóc mảng xanh trên tường để tạo không gian sống xanh mát cho bà con xung quanh

Ý thức bảo vệ môi trường cũng đã lan tỏa mạnh mẽ trong giới trẻ. Tại TPHCM, không ít đội nhóm yêu cây xanh, đổi rác lấy quà, vớt rác trên kênh rạch… đã hình thành, hoạt động hiệu quả nhiều năm nay.

Một ngày đầu tháng 10, tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức), một nhóm bạn trẻ không quản ngại trời nắng hì hục nhặt nhạnh từng ly nhựa, bao ni lông, xà bần gom vào bao. Sau vài tiếng, khu vực đã sạch tươm, hàng chục bao rác được tập kết để đơn vị thu gom rác đưa đi. Đó là công sức của các bạn trẻ thuộc nhóm Sài Gòn Xanh.

Chỉ với 5 thành viên ban đầu, với ý nghĩa thiết thực trong bảo vệ môi trường, nhóm Sài Gòn Xanh ngày càng thu hút nhiều người tham gia chung tay dọn dẹp các dòng kênh rạch trên địa bàn thành phố và lan tỏa đến nhiều tỉnh, thành khác. Đến nay, nhóm thu hút hơn 200 tình nguyện viên, đã dọn dẹp, làm sạch rác ở hàng chục tuyến kênh rạch.

Hay nhóm Cộng đồng Xanh Việt Nam đã “hô biến” hàng trăm bãi rác tự phát trên nhiều tỉnh, thành trong cả nước, trả lại môi trường sạch đẹp. Thành lập vào năm 2019, tổ chức này đã và đang hoạt động mạnh mẽ trên 63 tỉnh, thành với gần 20.000 tình nguyện viên, với mục tiêu góp phần đưa Việt Nam từ tốp 4 quốc gia thải rác thải nhựa ra biển nhiều nhất thế giới, trở thành tốp 5 quốc gia sạch đẹp nhất Đông Nam Á trước năm 2025.

Giới trẻ còn biết đến chương trình Việt Nam tái chế với hàng loạt chuỗi hoạt động thu gom rác thải điện tử trên khắp cả nước (riêng TPHCM có 5 điểm) bằng cách thức “đổi rác lấy quà” đã hoạt động từ năm 2015…

Trong trường học, nhiều mô hình cũng được hình thành như công trình nghiên cứu và chế tạo gạch từ nhựa phế thải; máy phân loại rác tự động; tái chế rác thải nhựa tạo sợi 3D của sinh viên Trường ĐH Bách khoa TPHCM...

Thành đoàn TPHCM cũng có nhiều chương trình để lan tỏa lối sống xanh trong người trẻ thành phố. Cụ thể là đã tổ chức nhiều chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức, xây dựng lối sống xanh bảo vệ môi trường trong đoàn viên, thanh thiếu nhi năm 2023…

Song song đó, nhiều địa phương cũng tổ chức các mô hình, giải pháp hiệu quả như: mô hình “Thu gom chất thải nguy hại hộ gia đình và chất thải nhựa đổi nhu yếu phẩm”, “Mảng tường xanh - sạch - đẹp” của quận 1; mô hình “Công viên không rác”, “Bồn hoa thay điểm rác” của quận 4; “Câu lạc bộ tôn giáo chung tay vì môi trường”, “Cho cây mình có, nhận cây mình cần” của quận 10; “Điểm sáng môi trường tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống” của quận Phú Nhuận…

Từ cuối năm 2019, UBND TPHCM đã yêu cầu các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp tại TPHCM phải hạn chế dùng nước uống đóng chai, chuyển sang dùng bình nước thể tích lớn hoặc tự đun nấu, sử dụng các vật dụng để chứa có thể dùng nhiều lần, thân thiện môi trường. Các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể, trường học, cơ sở y tế trên địa bàn cũng được yêu cầu không dùng ly nhựa, ống hút nhựa sử dụng một lần trong tất cả hoạt động hàng ngày. Từ năm 2020, Sở Tài chính TPHCM đã không bố trí kinh phí cho các khoản chi trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp để mua những sản phẩm nhựa dùng một lần.

Tin cùng chuyên mục