Xây dựng lòng tin
Các nhà tổ chức coi sự kiện trong 2 ngày 18 và 19-7 này là cơ hội để các quốc gia giàu và nghèo xây dựng lại lòng tin trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Liên hiệp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu năm 2022 (COP27) tại Ai Cập vào tháng 11, sau khi các cuộc thảo luận về kỹ thuật hồi tháng trước đạt được ít tiến triển về những vấn đề quan trọng, như viện trợ cho những nước đang phát triển để ứng phó biến đổi khí hậu. Các cuộc hội đàm kín tại Berlin bắt đầu với việc các chuyên gia trình bày về vấn đề “mất mát và thiệt hại”, sau đó chia thành các nhóm nhỏ để thảo luận với hy vọng xây dựng lòng tin trước COP27.
Phát biểu thông qua video, Tổng thư ký LHQ António Guterres nhắc các nước công nghiệp giữ lời hứa bảo vệ khí hậu với các nước đang phát triển. Ông cho rằng nồng độ khí nhà kính, mực nước biển dâng và sức nóng của đại dương đã lập các kỷ lục mới. Một nửa nhân loại đang ở trong vùng nguy hiểm do lũ lụt, hạn hán, bão lớn và cháy rừng. Tuy nhiên, nhiều nước vẫn tiếp tục phát triển nhiên liệu hóa thạch.
Các nhà hoạt động môi trường cảnh báo rằng những nỗ lực gần đây của các nước như Đức nhằm khai thác các nguồn nhiên liệu hóa thạch mới có thể làm suy yếu các chương trình cắt giảm khí thải vốn đã mong manh của các nước. Hội nghị diễn ra khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz đón tiếp Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al-Sisi, thảo luận về việc Đức mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Ai Cập thay thế khí đốt từ Nga. Đặc phái viên khí hậu của Mỹ, ông John Kerry, cũng tham dự cuộc đối thoại sau những thất bại của ông trong nỗ lực giảm khí thải và thúc đẩy năng lượng tái tạo tại Mỹ.
Hy vọng ràng buộc pháp lý
Phát biểu tại cuộc đối thoại, Đặc phái viên về khí hậu của Đức, bà Jennifer Morgan, cho biết nhiều nước nghèo nhất và dễ bị ảnh hưởng nhất đang hứng chịu tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Các nước đang phát triển vẫn đang chờ các nước giàu viện trợ 100 tỷ USD/năm để ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây là mục tiêu mà các nước đang phát triển từng dự kiến đạt được trước năm 2020. Tuy nhiên, những nước phát thải lớn trên thế giới lâu nay phản đối ý kiến cho rằng họ phải bồi thường những thiệt hại mà họ gây ra cho hành tinh do phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
Về phần mình, ông Alok Sharma, Chủ tịch COP26 năm 2021 tại Glasgow (Anh), cho biết nhiều khu vực của châu Âu đang hứng chịu nắng nóng như thiêu đốt và đây cũng là tình cảnh chung của hàng triệu người khắp thế giới. Theo đó, ông kêu gọi các đặc phái viên cần đẩy nhanh hành động vì khí hậu. Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry cũng thúc giục phải hành động khẩn trương để đảm bảo rằng khí hậu vẫn là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự quốc tế và thực trạng hiện nay không được xem là lý do để lùi bước hoặc từ bỏ những cam kết trước đây, nhất là những cam kết liên quan đến việc hỗ trợ các nước đang phát triển.
Trước đó, các quốc đảo Thái Bình Dương đã kêu gọi Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) ra phán quyết quy định cụ thể nghĩa vụ pháp lý của các quốc gia trong việc ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu. Các quốc đảo Thái Bình Dương hy vọng tòa án quốc tế có trụ sở ở La Haye (Hà Lan) này sẽ đặt ra nghĩa vụ pháp lý có tính ràng buộc cao hơn đối với các quốc gia phát thải nhiều carbon, qua đó thúc đẩy hành động. Các quốc đảo cũng tuyên bố khu vực này đang trong tình trạng khẩn cấp về khí hậu với những mối đe dọa hiện hữu.