Giá thực phẩm tăng đột biến
Theo FAO, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do giá hàng hóa và nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong đại dịch Covid-19. Giá thực phẩm liên tục tăng kể từ cuối năm 2020 khiến các nước phụ thuộc vào nhập khẩu thực phẩm đối mặt với rủi ro.
Chỉ số giá thực phẩm ghi nhận trong tháng 5 vừa qua của thế giới cũng đạt mức cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, do một số loại thực phẩm cơ bản như ngũ cốc, dầu thực vật và đường tăng giá mạnh. Hai loại ngũ cốc có lượng tiêu thụ lớn là bắp hiện đã có giá tăng hơn 66,7% và lúa mì tăng hơn 23% so với tháng 1-2020.
Việc tăng giá đột biến này còn do biến đổi khí hậu, khi những cơn bão và các hình thái thời tiết cực đoan khác đã ảnh hưởng đến thời gian gieo trồng và năng suất cây trồng, vật nuôi. Nguồn cung lương thực toàn cầu cũng đang chịu sức ép lớn từ tăng trưởng kinh tế và sự bùng nổ dân số ở các nền kinh tế mới nổi, khiến nhu cầu mua lương thực, thực phẩm tăng vọt.
Theo Ngân hàng Thế giới, giá thực phẩm tăng chóng mặt trên toàn cầu khiến hàng triệu người rơi vào cảnh đói khổ. Diễn biến này sẽ tác động không nhỏ đến các nền kinh tế vốn rất dễ bị tổn thương. Tại Nigeria, lạm phát thực phẩm đã tăng lên 22,95% trong tháng 3. Ở Indonesia, đậu phụ hiện đắt hơn 30% so với năm ngoái.
Tại Lebanon, nơi gần một nửa dân số sống trong cảnh nghèo đói, thực phẩm đắt gấp 5 lần so với năm 2019. Tại Nga, giá thực phẩm tăng 7,7% so với năm ngoái. Ở Anh, đại dịch đã làm gia tăng tình trạng bất ổn an ninh lương thực. Hiện nay, có tới 10% người dân Anh phải sử dụng ngân hàng thực phẩm từ thiện.
Thiết lập các mạng lưới an ninh lương thực
Dù kinh tế thế giới đầu năm 2021 đã bắt đầu hồi phục với đà tăng trưởng đầy hứa hẹn trong một số lĩnh vực như ô tô, ngành công nghiệp chip..., nhưng giá lương thực, thực phẩm tăng cao đang gây ảnh hưởng lớn đến vấn đề an ninh lương thực toàn cầu.
An ninh lương thực vốn được coi là một trong những yếu tố sống còn đối với việc thực thi các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), đặc biệt là xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sức khỏe và phúc lợi cộng đồng. Đây cũng là chìa khóa quan trọng quyết định xu hướng tăng trưởng kinh tế và quá trình chuyển đổi nông nghiệp tại một số quốc gia.
Bên cạnh đó, đại dịch kéo dài đã gây ra tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng, làm hàng triệu người lao động trên thế giới giảm thu nhập do mất việc làm, buộc nhiều quốc gia phải “bế quan tỏa cảng” và nông dân là đối tượng trực tiếp gánh chịu hậu quả nặng nề khi sản phẩm làm ra không tiêu thụ được.
Dịch bệnh cũng làm cho người lao động không thể di cư sang các nước khác vào mùa thu hoạch, đẩy chi phí sản xuất ở những nước ít nhân công tăng cao, dẫn đến giá thành các sản phẩm nông nghiệp cũng tăng theo. Nhiều quốc gia vẫn áp dụng biện pháp tạm ngừng nhập cảnh đối với một phần hoặc toàn bộ người từ nước khác, khiến nông dân nước sở tại gặp khó khăn trong việc thuê lao động theo mùa vụ.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia lương thực của Liên hiệp quốc, cần có hành động toàn cầu để đảo ngược xu thế tăng giá lương thực nguy hiểm hiện nay.
Theo đó, các quốc gia cần chia sẻ nhiều thông tin hơn về mức cung cấp lương thực trên thế giới nhằm tránh phản ứng quá mức về những đột biến trong nguồn cung; thiết lập các mạng lưới an ninh lương thực hiệu quả hơn cho người nghèo, cũng như cần minh bạch hơn để người dân có thể tiếp cận nhiều thông tin về số lượng và chất lượng lương thực dự trữ toàn cầu.
Ngoài ra, cần ưu tiên đầu tư hơn nữa vào phát triển nông nghiệp để tăng năng suất và sản lượng lương thực.