Báo cáo mới nhất của Berlin cho biết, trong năm 2023 nước này đã cung cấp tổng cộng 9,9 tỷ EUR (khoảng 11 tỷ USD) cho các quốc gia khác trong khuôn khổ gói tài trợ khí hậu 100 tỷ USD mỗi năm do các quốc gia công nghiệp phát triển cam kết cung cấp cho các nước đang phát triển và mới nổi.
Trong số 9,9 tỷ EUR có 5,7 tỷ EUR được cung cấp từ nguồn ngân sách liên bang, phần còn lại tới từ các khoản vay do Ngân hàng Đầu tư Đức (KfW) và Công ty Đầu tư và Phát triển Đức (DEG) cung cấp cho các dự án chuyển đổi năng lượng.
Bộ trưởng Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Đức, bà Svenja Schulze, khẳng định Đức là đối tác đáng tin cậy trong lĩnh vực bảo vệ khí hậu. Biến đổi khí hậu chỉ có thể được ngăn chặn nếu có sự nỗ lực chung tay của toàn thế giới, kể cả những quốc gia phụ thuộc vào sự hỗ trợ. Thích ứng với biến đổi khí hậu cũng có vai trò quan trọng hàng đầu để người dân có thể duy trì sinh kế bất chấp biến đổi khí hậu.
Theo bà Svenja Schulze, điều quan trọng là bên cạnh các nước công nghiệp phát triển, một số quốc gia khác chưa từng là nhà tài trợ trước đây cũng cần phải làm nhiều hơn nữa, nhất là những nước đang phát thải khí nhà kính lớn và có đủ tiềm lực tài chính cần thiết. Trước tình hình căng thẳng về ngân sách công ở nhiều nước tài trợ truyền thống, bà Svenja Schulze kêu gọi tăng cường phát triển các nguồn tài chính mới.
Thông qua các dự án được tài trợ, Đức đã tư vấn cho nhiều quốc gia về các bước cụ thể để mở rộng năng lượng tái tạo, sản xuất hydro và xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững, thân thiện với khí hậu.
Năm 2023, Chính phủ Đức đã nhất trí thiết lập quan hệ đối tác khí hậu song phương mới với Brazil, Colombia, Côte d’Ivoire và quan hệ đối tác khí hậu khu vực với các quốc gia Tây Balkan. Sự hợp tác này đặc biệt hướng tới mục tiêu mở rộng năng lượng tái tạo và mạng lưới điện, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, bảo vệ rừng và các cánh đồng hoang.