Hành động quyết liệt để vùng Đông Nam bộ cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình, thịnh vượng

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi mong muốn các tỉnh vùng Đông Nam bộ và tỉnh Long An cùng nghĩ đến việc chung, việc lớn, thống nhất và hành động ngay, hành động quyết liệt để mang lại kết quả sớm nhất, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình, thịnh vượng.

Sáng 15-1, tại TPHCM, UBND TPHCM tổ chức hội nghị làm việc với UBND các tỉnh vùng Đông Nam bộ và tỉnh Long An.

Dự buổi làm việc có đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; cùng lãnh đạo UBND các tỉnh: Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Cần có quỹ phát triển hạ tầng vùng

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, cả nước đang khẩn trương, thần tốc bước vào kỷ nguyên mới. Trong đó, vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam bộ phải đóng góp ít nhất là 50%, nếu tập trung hơn thì cả hai vùng sẽ đóng góp 60% GDP và ngân sách quốc gia. Do đó, TPHCM cùng các tỉnh Đông Nam bộ và Long An cần nhanh chóng thực hiện được vai trò này.

7.jpg
Đồng chí Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Đồng chí Phan Văn Mãi đề nghị các đại biểu thảo luận, thống nhất những nhiệm vụ trọng tâm để khẩn trương triển khai ngay. Nhất là quỹ phát triển vùng đã bàn từ rất sớm nhưng đến giờ này vẫn chưa có. Do đó, hội nghị cần thảo luận để làm sao vùng Đông Nam bộ đóng vai trò quan trọng, tiên phong cùng cả nước tiến vào kỷ nguyên mới. Đồng chí Phan Văn Mãi mong muốn các tỉnh vùng Đông Nam bộ và tỉnh Long An cùng nghĩ đến việc chung, việc lớn, thống nhất và hành động ngay, hành động quyết liệt để mang lại kết quả sớm nhất, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình, thịnh vượng.

Tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh, thành thảo luận, đề ra nhiều giải pháp phát triển vùng. Trong đó, tập trung vào các cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng; phát triển hạ tầng giao thông; thành lập quỹ phát triển vùng…

Viện Trưởng viện Nghiên cứu phát triển TPHCM Trương Minh Huy Vũ cho rằng, hiện nay, quy hoạch vùng đã có nhưng vướng mắc lớn nhất là chưa có chính sách đầu tư và tài trợ vùng.

1.jpg
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM Trương Minh Huy Vũ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Để tăng trưởng 2 con số toàn vùng, chỉ có 2 cách là tăng quy mô đầu tư và tăng hiệu quả đầu tư. Mà để tăng quy mô đầu tư, phải tăng đầu tư công và đầu tư tư nhân. Như vậy cơ chế đầu tư, tài trợ vùng rất quan trọng, trong đó phải có quỹ đầu tư vùng. Viện trưởng Nghiên cứu phát triển TPHCM khẳng định để phát triển lâu dài, vùng Đông Nam Bộ phải thành lập quỹ phát triển hạ tầng vùng.

3.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền phát biểu tại hội nghị. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền nhấn mạnh, quỹ phát triển hạ tầng vùng được các địa phương đề xuất nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể. Vì vậy, đề xuất sửa đổi một số điều của Nghị định 147 và các tiêu chí đối với nâng cấp các quỹ đầu tư phát triển địa phương là cần thiết để có cơ sở thành lập quỹ phát triển hạ tầng vùng.

4.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức phát biểu. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức thì đề nghị TPHCM cùng các tỉnh trong vùng tiếp tục hợp tác kết nối hạ tầng vùng, tạo môi trường sống, môi trường làm việc tốt hơn cho người dân trong vùng. Trong đó, cần phối hợp khẩn trương hoàn thành các dự án như dự án đường Vành đai 3, cao tốc Bến Lức - Long Thành, khởi công đường Vành đai 4…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Công Vinh đề nghị, trong năm 2025 các tỉnh tiếp tục đeo bám, kiến nghị ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng. Đồng thời, xây dựng kế hoạch và quy chế phối hợp triển khai đầu tư đường ven biển trong giai đoạn 2025 - 2030 để phục vụ phát triển các cảng biển lớn trong vùng. Cùng với đó, thực hiện đường ống dẫn dầu, khí từ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đi Long An, Đồng Nai…

5.jpg
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường phát biểu. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Liên kết chặt chẽ, cùng nhau phát triển

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi khẳng định, nếu vùng Đông Nam bộ liên kết chặt chẽ, hành động đồng bộ, hiệu quả sẽ đóng góp lớn cho phát triển của từng địa phương, vùng và cả nước. Nhấn mạnh tầm quan trọng của sự liên kết, Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị các địa phương cùng nhau liên kết, cùng phát triển, cùng làm và cùng giải quyết các vấn đề phát sinh. Đồng chí đề nghị trong hợp tác vùng, nên chọn các nội dung trọng tâm, tác động đến phát triển kinh tế - xã hội như hạ tầng chiến lược, nguồn nhân lực và du lịch.

Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị cần khẩn trương thực hiện các dự án hạ tầng chiến lược của vùng. Trong đó chú trọng các tuyến đường vành đai, cao tốc kết nối. Như đường Vành đai 3, kiên trì mục tiêu thông xe kỹ thuật vào đầu năm 2026, hoàn thành toàn tuyến trong quý 2-2026. Đồng thời, phấn đấu trình Quốc hội dự án đường Vành đai 4 vào kỳ họp giữa năm. Với các đường cao tốc kết nối, TPHCM thực hiện đúng cam kết.

8.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Hồng Thanh phát biểu. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Đồng chí Phan Văn Mãi cũng đồng tình với quan điểm cần “luồng xanh” cho nhà đầu tư, xem như một đột phá về đầu tư của vùng. Do đó, TPHCM phối hợp, cố gắng trình Quốc hội thông qua nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng Đông Nam bộ tại kỳ họp giữa năm. Đồng thời, nghiên cứu thành lập nhóm chuyên trách về vùng Đông Nam bộ để thực hiện Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị.

TPHCM cũng sẽ vận dụng Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội để đề xuất cơ chế cho quỹ phát triển hạ tầng vùng Đông Nam bộ. Còn về đào tạo nguồn nhân lực cho vùng, TPHCM đã hoàn thiện sơ bộ kế hoạch, hiện đang cập nhật thêm các nội dung liên quan Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị.

9.jpg
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Theo Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm, trong năm 2025, TPHCM và các tỉnh Vùng Đông Nam bộ phối hợp triển khai 16 nội dung trọng tâm theo thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2024 – 2025. Trong đó đã hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường Vành đai 4 TPHCM, trình cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án và ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Phối hợp nghiên cứu, thống nhất hướng tuyến đường ven biển (nhánh 2 kết nối Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (TPHCM) - Cảng Phước An (tỉnh Đồng Nai)) đi qua Tiền Giang - TPHCM - Bà Rịa - Vũng Tàu - Đồng Nai; bổ sung vào các quy hoạch có liên quan.

Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thành phần đường Vành đai 3 TPHCM; thống nhất kế hoạch chuyển đổi xe buýt sử dụng năng lượng xanh. Phối hợp triển khai cơ chế, chính sách đặc thù về điều phối, phát triển liên kết vùng sau khi hội đồng điều phối vùng ban hành. Trong năm 2025, các tỉnh vùng Đông Nam bộ phối hợp triển khai 37 sự kiện hợp tác song phương…

Tin cùng chuyên mục