
Chiến dịch không chỉ là lời kêu gọi đơn thuần, mà còn là hành động thiết thực hướng tới một tương lai xanh và bền vững hơn. Dựa trên kết quả khảo sát năm 2022, Bebat đã đặt ra mục tiêu cụ thể cho từng khu vực khác nhau.
Bà Nele Peeters, Giám đốc tiếp thị của Bebat, chia sẻ: “Chúng tôi tin rằng mỗi hành động nhỏ đều có thể tạo ra sự khác biệt lớn. Chiến dịch này không chỉ nhằm thu gom pin và ắc quy cũ, mà còn để nâng cao nhận thức trong cộng đồng về tầm quan trọng của việc tái chế và bảo vệ môi trường. Bebat muốn thay đổi thói quen của người dân, đồng thời khẳng định pin cũ không phải là rác thải mà là tài nguyên có thể tái chế và sử dụng lại”.
Bà Nele Peeters cho biết thêm, bằng cách tham gia chiến dịch, mỗi người đang góp phần xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn, nơi mà rác thải được chuyển hóa thành nguồn tài nguyên quý giá. Bebat sẽ xử lý và tái chế số pin và ắc quy này một cách an toàn và hiệu quả.
Pin là vật dụng quen thuộc, không thể thiếu trong cuộc sống, nhưng chúng đồng thời cũng chính là “kho” chứa hóa chất độc hại nếu không được xử lý đúng cách. Theo các nghiên cứu, trong pin chứa một số kim loại nặng như thủy ngân, chì, cadimi, thạch tín... Việc xử lý pin đã qua sử dụng không giống rác thông thường, vì nó rất có hại cho môi trường. Nếu pin chỉ được chôn lấp dưới đất và bắt đầu phân hủy tại các bãi rác, các hóa chất này có thể thấm xuống đất, gây ô nhiễm đất và nguồn nước. Nếu xử lý bằng cách đốt thì các thành phần nguy hại trong pin sẽ bốc lên thành khói độc, hay chất độc còn dư lại trong tro sẽ gây ô nhiễm không khí.
Thống kê của Bebat cho thấy, trung bình mỗi hộ gia đình ở Brussels có 87 cục pin và bình ắc quy, trong đó 19 cục đã qua sử dụng. Ở vùng Wallonie, con số này thậm chí còn cao hơn, với 110 cục pin và ắc quy, có 30 cục không còn sử dụng được. Điều đáng nói là nhiều người dân vẫn chưa có thói quen phân loại và tái chế pin đúng cách.
Khi tham gia chiến dịch của Bebat, thay vì vứt pin hàng ngày như rác thông thường, người dân chỉ cần mang pin và ắc quy đã qua sử dụng đến một trong 25.000 điểm thu gom của Bebat trên khắp Wallonie và Brussels. Đối với những bình ắc quy đã qua sử dụng, người dân được hướng dẫn, tạm thời cất vào chỗ khô ráo, sạch sẽ và để xa tầm tay trẻ em. Việc làm này giúp người Bỉ hình thành thói quen tích lũy pin cũ, gửi đi xử lý đúng cách, thay vì vứt chung với rác thải sinh hoạt.
Chiến dịch cũng là một phần trong nỗ lực không ngừng của Bebat nhằm xây dựng một tương lai xanh cho Bỉ và hướng tới mục tiêu thu gom chất thải và thu hồi nguyên liệu từ pin cũ của châu Âu. Nghị viện châu Âu đã đặt mục tiêu, đến năm 2031, thu gom 61% rác thải và thu hồi 95% vật liệu từ pin di động cũ để tối đa hóa hiệu quả sử dụng tài nguyên. Bằng cách khuyến khích thải bỏ và tái chế pin đúng cách, EU tiến tới giảm thiểu tác động môi trường liên quan đến việc sản xuất và thải bỏ pin, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào việc khai thác kim loại quý.