Hành động nhiều và chấp nhận thất bại

10 vấn đề cần giải quyết để phát triển khởi nghiệp
Hành động nhiều và chấp nhận thất bại

Thời điểm hiện nay được cho là rất “thuận lợi” đối với những doanh nghiệp khởi nghiệp (DNKN- startup) dựa trên đổi mới sáng tạo. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc bất kỳ DN nào cứ khởi nghiệp là sẽ thành công. Hàng loạt vấn đề liên quan như gọi vốn, xây dựng bộ máy quản lý, tuyển dụng nhân lực, xây dựng thương hiệu đi kèm với bản quyền sở hữu trí tuệ… là những vấn đề cực kỳ quan trọng mà bất kỳ startup nào cũng cần phải tính đến.

Bài toán về nhân lực, mô hình và thương hiệu

Theo ông Phan Viết Hoàn (Giám đốc điều hành Công ty Mywork), một startup muốn thành công, trước hết phải xây dựng được đội ngũ nhân viên có trình độ, nhưng muốn có được đội ngũ ấy, startup phải luôn nghĩ đến lợi ích của các thành viên trong nhóm. “Một người đơn độc sẽ không làm được việc gì lớn và chỉ có làm việc theo nhóm mới đem lại hiệu quả”, ông Hoàn nhấn mạnh. Cần thiết phải có tiêu chí đối với từng vị trí tuyển dụng, có mô hình tuyển dụng và quá trình tuyển dụng để đảm bảo tìm được những người phù hợp nhất. Với đội ngũ có trình độ, ý tưởng của bạn sẽ được triển khai rất nhanh. Vì thế, ông Hoàn cho rằng, khi đã có ý tưởng, cần tìm thật nhanh người tài, những người cùng chí hướng với mình.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đặng Tuấn Minh (đồng sáng lập và quản lý tổ chức KisStartup) khẳng định, việc tiếp cận với phương pháp khởi nghiệp tinh gọn sẽ giúp các startup dễ đi đến thành công hơn. Theo đó, khởi nghiệp tinh gọn là phương pháp khởi nghiệp đề cao sự thử nghiệm, dựa trên những phản hồi của khách hàng để DN điều chỉnh kế hoạch. Những dự án khởi nghiệp tinh gọn, sử dụng cách tiếp cận thị trường thông qua việc đưa sản phẩm ra thị trường để nhận phản hồi, từ đó kiểm tra độ chính xác của những giả định ban đầu. Sau đó, DN sử dụng những phản hồi này để điều chỉnh, từ đó bắt đầu kế hoạch làm việc phù hợp với những điều chỉnh đó. Khởi nghiệp tinh gọn, áp dụng hình thức phát triển linh hoạt sẽ giúp DN tiết kiệm thời gian và nguồn lực.

Một thực tế đang diễn ra không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới là hiện có những startup về công nghệ thông tin khởi nghiệp “không cần vốn”, còn startup trong các ngành đặc thù cần vốn đầu tư lớn như y tế, sinh học cũng cố tìm mọi cách giảm chi phí sản xuất để nhanh đưa sản phẩm ra thị trường. Áp dụng phương pháp khởi nghiệp tinh gọn sẽ giúp startup phát triển sản phẩm theo cách phù hợp nhất với thị trường và chi phí hợp lý nhất. Có như vậy, các startup mới gọi vốn thành công.

Hầu hết các chuyên gia đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đánh giá đúng năng lực của DN, từ đó xác định đúng thị trường mà startup muốn hướng tới. Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt trên thị trường như hiện nay, startup cần tập trung vào một phân khúc thị trường để đầu tư trước và thăm dò hiệu quả. Để giảm tối đa rủi ro, startup nên thử nghiệm sản phẩm cho một thị trường nhỏ trước khi mở rộng ra thị trường lớn.

Các bạn trẻ khởi nghiệp làm việc tại Trung tâm Sáng kiến hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, thuộc Sở KH-CN TPHCM. Ảnh: T.BA

Một vấn đề hết sức quan trọng khác khi khởi nghiệp là cần phải quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu. Thương hiệu không đơn giản chỉ là logo của DN, mà còn nhiều yếu tố khác cũng quan trọng không kém logo. Hình ảnh của DN và chất lượng của sản phẩm sẽ quyết định sự thành công. TS Nguyễn Quốc Thịnh (Trưởng bộ môn Quản trị thương hiệu, Trường Đại học Thương mại) cho rằng, xây dựng thương hiệu không nhất thiết cần nhiều tiền, dẫu biết rằng việc xây dựng thương hiệu thực chất là tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm của DN. Thông điệp TS Nguyễn Quốc Thịnh đưa ra là: “Hãy vì giá trị của DN thay vì chỉ đi tìm kiếm lợi nhuận”. 

Theo đó, lợi nhuận chỉ nhất thời, bởi nếu quá vì lợi nhuận, DN tìm mọi cách giảm chi phí và như vậy sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của người lao động. Rất nhiều tài sản trí tuệ đang được DN sở hữu; vì vậy, chúng ta phải phát huy được những giá trị của tài sản trí tuệ, từ đó phát huy giá trị của DN. Khi phát triển tài sản thương hiệu, DN sẽ được khách hàng biết đến. Từ chỗ thấu hiểu DN, khách hàng sẽ đến với sản phẩm. Tất nhiên sản phẩm phải đảm bảo phù hợp với yêu cầu, sở thích và “túi tiền” của khách hàng. Khách hàng phải cảm thấy hài lòng khi bỏ tiền ra mua sản phẩm và để thương hiệu bền vững, DN phải đảm bảo khách hàng hài lòng không chỉ lần đầu mua hàng mà với tất cả những lần mua sau. 

Hình thành “vốn mồi”

Mới đây, Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh cho biết, Bộ KH-CN sẽ quyết tâm phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trong và ngoài nước để kết nối các thành phần trong hệ sinh thái đó, không những với nhau mà còn tiếp cận để học hỏi kinh nghiệm từ cộng đồng khởi nghiệp quốc tế, đặc biệt thông qua các sự kiện dành cho khởi nghiệp đặc thù, chuyên sâu.

Theo báo cáo của Bộ KH-CN, giai đoạn 2012 - 2016, chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể về số lượng, chất lượng của các cơ sở ươm tạo và tổ chức thúc đẩy kinh doanh khi có khoảng 1.800 DNKN, 21 cơ sở ươm tạo và 7 tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Trong đó, đã có một số thành công, ghi rõ dấu ấn startup như Lozi (mạng xã hội về ẩm thực và mua bán thời trang) với 400.000 người sử dụng. Trong năm 2016, đơn vị này nhận được khoản đầu tư 1 triệu USD từ Nhật Bản và Singapore. Một số doanh nghiệp gọi vốn thành công như Tripme gọi được 10 tỷ đồng; MoMo nhận sự đầu tư hơn 600 tỷ đồng từ Quỹ đầu tư Standard Chartered Private Equity và Ngân hàng đầu tư toàn cầu Goldman Sachs; Gotit nhận được đầu tư 200 tỷ đồng; Vntrip.vn nhận 70 tỷ đồng…

Thực tế cho thấy, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo phát triển và thành công thì không thể thiếu được vai trò của các quỹ/nhà đầu tư mạo hiểm. Hiện có hơn 20 quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài có đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam như: IDG Ventures, CyberAgent Ventures, VinaCapital, 500 Startups… Tuy nhiên, đa phần các quỹ này cũng chưa đầu tư thành lập quỹ 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam mà chỉ có văn phòng đại diện để tìm các khoản đầu tư. Nhưng gần đây, nhận thấy tiềm năng phát triển của Việt Nam, số lượng các quỹ nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam đang có xu hướng tăng lên. Nếu tổng số thương vụ đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam năm 2012 là 24 thương vụ thì đến năm 2015 đã tăng lên 67 thương vụ và hứa hẹn sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Tại Việt Nam hiện nay cũng đã bắt đầu hình thành một số mạng lưới “đầu tư thiên thần” (một dạng đầu tư mạo hiểm quy mô nhỏ, có mạng lưới phụ thuộc nhau) như: VIC Impact với khoảng 10 nhà đầu tư là doanh nhân khởi nghiệp thành công và một số nhà đầu tư chuyên nghiệp; Hatch! Angel network, mạng lưới nhà đầu tư do tổ chức Hatch hỗ trợ khởi nghiệp hình thành; iAngel, mạng lưới đầu tư được hình thành dựa trên các thành viên của Hiệp hội DN trẻ Hà Nội (HanoiBA)… là những “kênh” mà DNKN cần quan tâm.

Liên quan đến mối quan hệ giữa nhà đầu tư và DNKN, các chuyên gia cho rằng, cần xem xét kỹ dưới góc độ gọi vốn và tài chính. Trong đó, lợi ích mà nhà đầu tư đem tới cho DNKN không chỉ về mặt tài chính mà còn là việc tư vấn, hỗ trợ và hướng dẫn các DNKN trên con đường phát triển kinh doanh của mình. Do vậy, mối quan hệ này đòi hỏi sự nỗ lực và thời gian từ cả hai phía.

Khi các quỹ đầu tư chưa vào cuộc, thì vai trò nhà nước hết sức quan trọng. Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT, cho rằng Nhà nước cần đầu tư như “vốn mồi” giúp DNKN lúc đầu. Nhưng làm phải có trọng tâm, trọng điểm, bởi nguồn lực của Nhà nước có giới hạn; nếu làm ồ ạt kiểu phong trào sẽ dễ bị mất trắng và không đem lại thành công nào. Mong muốn các bạn trẻ Việt Nam khởi nghiệp sáng tạo thành công, càng nhiều càng tốt, nhưng ông Trương Gia Bình cũng cảnh báo rằng, không phải ai cũng thành công, vì vậy cần có cái nhìn nghiêm túc, đúng đắn, nhiều chiều khi tham gia khởi nghiệp và biết chấp nhận thất bại, rút kinh nghiệm để làm lại từ đầu. 

10 vấn đề cần giải quyết để phát triển khởi nghiệp

Trong cuộc trò chuyện với cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo và đại diện các bộ ngành mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, có 10 vấn đề cần phải làm tốt, xử lý sớm thì phong trào khởi nghiệp sáng tạo mới sớm lan tỏa, đi vào thực chất và đem lại nhiều hiệu quả, thành công thiết thực:

1. Cần có cơ chế tài chính để thu hút vốn, vì vốn là cần nhất. Làm sao để các thủ tục chứng nhận đầu tư thành lập quỹ và thủ tục công nhận quỹ đầu tư được thuận lợi hơn.

2. Chính phủ, ban, ngành và các cấp có thể đầu tư song hành với các quỹ đầu tư mạo hiểm, các nhà đầu tư thiên thần để tạo điều kiện cho các DNKN phát triển.

3. Các DNKN sáng tạo thường liên quan đến công nghệ thông tin và online nên rất cần môi trường kinh doanh thông thoáng và không “có giấy phép con”.

4. Thủ tục tra cứu, bảo hộ về sở hữu trí tuệ phải thông thoáng, giúp DN biết nhanh những công nghệ, sáng chế nào đã được bảo hộ để khỏi mất công tìm kiếm.

5. Sự hỗ trợ ban đầu đối với các sản phẩm mới cũng hết sức quan trọng. Nhà nước cần tạo điều kiện để những sản phẩm ban đầu này có thể vào thị trường trong nước và ra nước ngoài.

6. Trong chính sách ưu đãi các loại thuế, quan trọng nhất đối với cộng đồng DNKN sáng tạo là thuế khi chuyển nhượng vốn và cơ chế thuế hỗ trợ các DN đầu tư cho nghiên cứu và triển khai ý tưởng, công nghệ mới.

7. Các bộ ngành cần có hành động cụ thể giúp đỡ các DN sáng tạo cơ hội gặp gỡ nhau, cũng như tiếp xúc với các nhà đầu tư mạo hiểm, thiên thần, các khách hàng tiềm năng, các nhà tư vấn.

8. Tập trung tư vấn pháp lý cho cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo để họ yên tâm bước vào việc đưa ý tưởng của mình vào khởi nghiệp, cũng như đi ra thế giới.

9. Đẩy mạnh nghiên cứu trong trường đại học, kết nối trường đại học với viện nghiên cứu; đưa không khí, tinh thần khởi nghiệp chung vào trường đại học.

10. Nhà nước làm thế nào để khuyến khích các tổ chức đầu tư, DN lớn sẵn sàng mua lại toàn bộ sản phẩm, công nghệ mới có giá trị để cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo có vốn tiếp tục cho ý tưởng khởi nghiệp mới.

 TRẦN LƯU

Tin cùng chuyên mục