Tại diễn đàn “Phục hồi Du lịch Việt Nam, định hướng mới, hành động mới” được tổ chức ngày 1-4, ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, chỉ rõ, việc phục hồi cơ sở vật chất kỹ thuật, phục hồi các sản phẩm, dịch vụ du lịch và nguồn nhân lực trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch đòi hỏi nhiều nỗ lực, thời gian lâu dài cũng như sự đầu tư lớn của toàn ngành. Đây là nhiệm vụ và thách thức lớn đối với du lịch Việt Nam trong thời gian tới. Vì vậy, nhiệm vụ trước mắt cần nhanh chóng tìm được định hướng đúng để hành động đúng.
Sát cánh cùng du lịch nhiều năm qua, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động du lịch, nhiều doanh nghiệp, địa phương cũng chủ động, tranh thủ mọi cơ hội khởi động ngay các hoạt động du lịch khi điều kiện cho phép. Hàng loạt chương trình kích cầu của doanh nghiệp, ở mức độ cấp tỉnh, cấp vùng và cấp quốc gia đã được triển khai kịp thời, nhanh chóng trong 2 năm qua, thể hiện sự năng động của ngành du lịch.
“Tuy nhiên để có thể khôi phục, phát triển ngành du lịch sau dịch Covid-19 cần phải xây dựng và triển khai một chương trình tổng thể, các cấp, ngành, địa phương và cả tầm quốc gia cùng thống nhất hành động”, ông Vũ Thế Bình phân tích.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, về sản phẩm du lịch, năm 2022 có xu hướng tăng lên về nhu cầu sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch chữa bệnh, du lịch chăm sóc sức khỏe…
Theo Global Data, đây là thị trường khách du lịch có tốc độ phục hồi nhanh nhất và có thể phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2022.
Để du lịch tìm lại thời kỳ hoàng kim với 18 triệu lượt khách quốc tế của năm 2019 còn không ít khó khăn.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các chính sách hỗ trợ du lịch mới chỉ “chạm” được đối tượng là người lao động, hướng dẫn viên trong khi du lịch còn nhiều khâu cần hỗ trợ như việc giãn các khoản thuế và thuê đất. Bên cạnh đó, cần có chính sách visa cởi mở hơn như nới thời gian lưu trú tại Việt Nam cho du khách dài ngày hơn để tăng tính cạnh tranh trực tiếp với các thị trường lân cận.
“Việt Nam chỉ áp dụng miễn visa cho du khách trong thời gian ngắn bằng 15-50% so với Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia…”, ông Tuấn dẫn chứng.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, đề xuất thực hiện việc hoàn thuế giá trị gia tăng ngay tại nơi mua sắm hàng hóa như nhiều quốc gia đang áp dụng cho du khách quốc tế. Cần khuyến khích du khách quốc tế mua sắm, tăng chi tiêu ở Việt Nam.
Tại diễn đàn, Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch đã được ra mắt với kỳ vọng đem đến nhiều động lực mới cho doanh nghiệp du lịch trong giai đoạn quan trọng này. |