Hành động hơn nữa để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Vấn đề nổi lên hiện nay là, TP phải hành động nhiều hơn nữa để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách, rút ngắn thủ tục hành chính.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao đổi với các đại biểu dự chương trình “Gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố và Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài năm 2022”. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao đổi với các đại biểu dự chương trình “Gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố và Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài năm 2022”. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Chiều 20-5, UBND TPHCM tổ chức chương trình “Gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố và Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài năm 2022”. Đến dự có đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM cùng cộng đồng doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nước ngoài trên địa bàn TP.

Thúc đẩy tăng trưởng bền vững

Phát biểu mở đầu, bà Mary Tarnowka, Giám đốc Điều hành Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ (Amcham) đánh giá cao cam kết của Việt Nam trong việc chung sống an toàn với Covid-19 và việc tái mở cửa hoạt động du lịch quốc tế gần đây. Mấu chốt hiện nay là Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng cần đảm bảo một môi trường pháp lý tích cực.

“Chúng tôi thể hiện sự quan tâm trong việc tạo ra một hệ thống quy định công bằng, minh bạch, có thể dự đoán và hiệu quả, coi trọng sự đổi mới. Điều đó có nghĩa là cải cách hành chính, tinh giản các quy định, nhiều quy trình phê duyệt điện tử hơn, ổn định và nhất quán trong các quy hoạch tổng thể; đảm bảo việc gia hạn giấy phép đầu tư và phê duyệt mở rộng đầu tư diễn ra suôn sẻ, để có thể giữ chân và thu hút đầu tư trong môi trường toàn cầu ngày càng cạnh tranh”, bà Mary chia sẻ.

Theo đánh giá của Amcham, hiện Việt Nam, đặc biệt là TPHCM và khu vực kinh tế phía Nam hấp dẫn đối với đầu tư vào lĩnh vực sản xuất giá trị cao do vị trí địa lý gần với thị trường nguồn (nhân lực, sản xuất, phân phối...) và thị trường tiêu dùng; sự hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu thông qua mạng lưới các hiệp định thương mại tự do, hệ thống chính trị ổn định và lực lượng lao động trẻ, hiểu biết về công nghệ. Do vậy, việc nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng như sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành, cảng, đường thủy cũng như giao thông công cộng và nhiều nơi an toàn hơn cho xe đạp, xe điện hoặc người đi bộ để hỗ trợ tăng trưởng bền vững là một yếu tố quan trọng của TPHCM.

Bên cạnh đó, việc xây dựng cơ sở hạ tầng số, dưới dạng một môi trường quản lý toàn diện cho phép lưu chuyển dữ liệu xuyên biên giới liên tục và an ninh mạng nhằm giúp Việt Nam khai thác toàn bộ tiềm năng của nền kinh tế số, tạo ra môi trường thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo đang phát triển của TPHCM là hết sức cần thiết. 

Về phát triển hạ tầng, kết nối vùng, giảm ùn tắc giao thông, ông Jean Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) hiến kế, xe điện sạch sẽ là một giải pháp phù hợp: “Chúng tôi kiến nghị hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội TPHCM từ nay đến năm 2060, bố trí không gian công cộng đặt các trạm sạc nhanh cho xe điện để đảm bảo thân thiện với môi trường. TP nên cấp cho người sử dụng xe điện những lợi ích cụ thể như chỗ đậu xe dành riêng ở các vị trí VIP, lối đi thông thoáng vào trung tâm, cổng thu phí miễn phí. Đồng thời, cần có quy định và hướng dẫn rõ ràng để khuyến khích các công ty hậu cần và nhà bán lẻ tiến hành thực hiện”, ông Jean Jacques Bouflet nêu ý kiến.

Đẩy mạnh chuyển đổi số

Tại buổi gặp gỡ, ông Shon Young IL, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (Kocham) đánh giá, TPHCM sẽ có sự thay đổi mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng giao thông, bắt đầu từ việc khai trương tuyến Metro số 1. Tuy nhiên, tốc độ hoàn thiện hệ thống kho vận tại TPHCM và phía Nam còn chậm chạp. Do đó, TPHCM cần quan tâm hơn đến việc nâng cấp cơ sở hạ tầng hậu cần lên một tầm cao hơn.

Chẳng hạn, vận hành hệ thống giao thông linh hoạt thông qua hệ thống điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo thay vì hệ thống giao thông thống nhất; mở rộng các tuyến đường cao tốc liên vùng, tạo thuận tiện lưu thông hàng hóa cho các doanh nghiệp.

“Trước tình hình phải đối mặt với vấn đề có đủ vốn cần thiết để tối đa hóa tiềm năng tăng trưởng, TPHCM cần bàn bạc với chính quyền trung ương để thảo luận về việc mở rộng ngân sách phát triển hạ tầng đô thị và thúc đẩy đầu tư”, ông Shon Young IL đề xuất.

Liên quan đến vướng mắc chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính, ông Jean Jacques Bouflet cho rằng, một số lĩnh vực còn kéo dài thời gian và làm tăng nguy cơ thất lạc hồ sơ. Đơn cử, cổng dịch vụ công của Sở Y tế TPHCM hầu như chưa được sử dụng hiệu quả, trong khi đó một số sở y tế các tỉnh thành khác đã thực hiện được nhiều thủ tục trực tuyến hoàn toàn.

EuroCham cũng khuyến nghị, tất cả các sở ngành của TPHCM, trong đó có Sở Công thương, xem xét việc sử dụng chữ ký số (chữ ký mà doanh nghiệp đăng ký đã ký và xác nhận văn bản kê khai trên Cổng thông tin một cửa quốc gia) cho tất cả các văn bản hành chính và quy trình. Bởi thực tiễn cho thấy, không phải tất cả các quy trình đều được phép sử dụng chữ ký số. Trong khi đó, chữ ký này có cùng giá trị pháp lý trong việc ký kết các văn bản liên quan đến chứng từ hải quan xuất nhập khẩu.

“Chúng tôi đề nghị tất cả các bộ phận xem xét và áp dụng nếu không có xung đột và ràng buộc”, ông Jean Jacques Bouflet nói. 

Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cảm ơn và đánh giá cao sự đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài.

Đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, rất trân trọng các hiến kế của các hiệp hội gửi trực tiếp đến UBND TPHCM cũng như tại buổi gặp gỡ và sẽ ghi nhận, cầu thị lắng nghe, nghiên cứu nhằm đưa ra phương án, giải pháp tốt nhất để ngày càng thúc đẩy sự phát triển của TPHCM.

Vấn đề nổi lên hiện nay là, TP phải hành động nhiều hơn nữa để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách, rút ngắn thủ tục hành chính; đẩy nhanh việc chuyển đổi số để tạo sự thuận lợi hơn, minh bạch hơn.

“Trong quá trình TPHCM thực hiện, sẽ hợp tác với các hiệp hội về chuyển đổi số, để thực hiện tốt hơn. Liên quan đến các vấn đề về văn hóa, xã hội, tổ chức đô thị, TPHCM rất quan tâm. Việc này, TPHCM cũng chưa có nhiều kinh nghiệm và mong muốn được lắng nghe nhiều hơn góp ý của các hiệp hội từ các quốc gia phát triển, giúp TPHCM có định hướng. Làm sao để TPHCM không chỉ là nơi phát triển mạnh về kinh tế mà còn là trung tâm văn hóa, xã hội, nơi có chất lượng sống tốt cho người dân; nơi các nhà đầu tư mong muốn tới đầu tư, kinh doanh phát triển”, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục