Phát triển văn hóa chưa theo kịp thời đại
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, bảo tàng là nơi cô đặc nhất những giá trị văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia. Nếu chúng ta coi nhẹ bảo tàng là chúng ta làm cho hiệu ứng du lịch thành con số âm. Thế nhưng, rất nhiều du khách vào bảo tàng nhưng họ thất vọng. Không phải thất vọng vì lịch sử Việt Nam mà vì nội dung trưng bày chưa cho họ thấy đúng tầm vóc, giá trị của lịch sử của dân tộc. Trong hệ thống hơn 120 bảo tàng trên cả nước, chỉ nổi lên vài cái tên như: Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam… là còn thu hút đông đảo khách tham quan, số còn lại gần như hoạt động cầm chừng.
Phân tích về vấn đề này, GS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, cho rằng, chính vì thiếu đầu tư sáng tạo mà các hoạt động bảo tàng còn đơn điệu, tẻ nhạt, trong khi nhiều hiện vật quý giá vẫn cất kho.
Đời sống văn hóa, nghệ thuật nước nhà cũng đang ở trong tình trạng tương tự. Dạo qua các nhà sách, đường sách ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, dễ dàng nhận thấy sách bán chạy nhất là các tác phẩm ngôn tình, sách dạy làm giàu... Văn học trong nước những năm gần đây èo uột, hiếm có tác giả, tác phẩm gây được tiếng vang, có ảnh hưởng tích cực tới lý tưởng, hành vi trong xã hội.
Nhà văn Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận định: “Số đầu sách tăng nhưng lượng phát hành thì giảm sút đến mức đáng lo ngại. Càng ngày chúng ta càng thấy tác động của thị trường là không nhỏ, có những mặt tích cực, nhưng cũng có nhiều mặt trái tinh vi, gai góc, phức tạp, thử thách bản lĩnh của văn nghệ sĩ”.
Theo thống kê của Bộ VH-TT-DL, trung bình mỗi năm có 240 phim nước ngoài nhập khẩu, trong khi phim nội chỉ có khoảng 40 phim. Mặc dù Nhà nước đầu tư, đặt hàng, song do kinh phí eo hẹp, khâu quảng bá chưa tốt nên nhiều tác phẩm không được khán giả đón nhận. Ở lĩnh vực hội họa, Việt Nam đã từng có những tên tuổi lớn như Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái…, nhưng thời điểm này, nhiều chuyên gia đã không ngần ngại khi cho rằng, nền hội họa Việt Nam đang mất phương hướng.
Rất ít tác phẩm mỹ thuật về những vấn đề lớn của đất nước, về công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Vẫn còn có những tác phẩm chưa thoát khỏi lối mòn, đơn giản, thậm chí dễ dãi, mang tính minh họa. Đáng lo, đời sống sân khấu nước nhà đang phản ánh một sự đi xuống về chất lượng nghệ thuật khi nhiều nhà hát chạy theo các đề tài câu khách rẻ tiền, tính giáo dục thấp.
NSND Lê Tiến Thọ buồn bã chia sẻ: “Sân khấu còn né tránh những vấn đề nóng của xã hội. Trong các kỳ liên hoan sân khấu, vấn đề về con người chỉ chiếm 1/4 số tác phẩm. Các nghệ sĩ thường chọn đề tài an toàn, mượn chuyện xưa nói chuyện nay. Sân khấu hiện đang thiếu vắng đội ngũ kịch tác gia tài năng kể từ thời hoàng kim với những vở kịch có sức “công phá” lớn vào các vấn đề của xã hội, gắn liền với nhiều tên tuổi như: Nguyễn Huy Tưởng, Vũ Như Tô, Lộng Chương, Hoàng Cầm, Học Phi, Lưu Quang Vũ…”.
Còn ở lĩnh vực âm nhạc, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, cũng bày tỏ chua xót trước thực trạng nhiều người đã quên hoặc không biết tới dòng nhạc chính thống, kinh điển bác học và cổ truyền dân tộc. Tình trạng bát nháo trong thị trường âm nhạc đã tác động đến tất cả đối tượng, từ nhạc sĩ, ca sĩ, đến công chúng và dần làm thẩm mỹ âm nhạc bị hạ thấp và lệch chuẩn...
Hướng tới nền công nghiệp văn hóa
Con số đầu tư cho văn hóa thực sự thấp đến mức khó tin. Trong giai đoạn 2014-2019, ngân sách nhà nước chi đầu tư cho lĩnh vực văn hóa chỉ đạt 1,71%, trong khi chúng ta đã đặt mục tiêu tỷ lệ này là 1,8% vào năm 2010. Trên thực tế, nhiều địa phương còn cắt giảm tiếp số ngân sách nhỏ nhoi ấy. Theo thống kê của Bộ VH-TT-DL, ở nhiều tỉnh vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ chi cho văn hóa chỉ đạt 0,9%-1,2% tổng chi ngân sách địa phương, cá biệt có những huyện miền núi chỉ đạt 0,4%.
Lý giải về tình trạng này, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, lâu nay vẫn tồn tại tư duy coi văn hóa là thứ yếu. Quan điểm “phú quý sinh lễ nghĩa” trong khi thời đại đã thay đổi, có khi “lễ nghĩa sinh ra phú quý”. Mỗi lần định xây một nhà hát, một sân vận động hay một bảo tàng là nhiều câu hỏi lại đặt ra, còn bao nhiêu thứ cần thiết hơn, ví dụ như nhà trẻ, trường học. Cách suy nghĩ đó không phải không đúng nhưng đã đến lúc cần thay đổi quan điểm về văn hóa. Chúng ta cần hướng tới tương lai là công nghiệp văn hóa sẽ ngày càng phát triển và có thể đóng một tỷ trọng lớn trong nền kinh tế của đất nước. Vì vậy, việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa phải được coi là một trong những giải pháp quan trọng để có thể củng cố nguồn lực nội sinh, xây dựng “sức mạnh mềm” văn hóa Việt Nam.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, chúng ta cần quản lý đầu tư như thế nào cho hiệu quả. Đã có nhiều bài học về sự lãng phí, gây mất lòng tin cho xã hội trong đầu tư lĩnh vực văn hóa. Điển hình là Bảo tàng Hà Nội, được đầu tư 2.300 tỷ đồng nhưng vẫn “vắng tanh như chùa bà Đanh”. Các tỉnh nghèo như Hà Giang, Lâm Đồng, Tây Ninh, Sóc Trăng… đều có những công trình nhà văn hóa tiền tỷ lãng phí. Đó là chưa kể những kế hoạch xây tượng đài ngàn tỷ ở những địa phương còn đang phải trông chờ ngân sách trung ương, khiến dư luận bức xúc.
Hay cụ thể hơn, mỗi năm, ngân sách cũng bỏ ra tiền tỷ cho các trại sáng tác nhưng kết quả thu về mới chỉ là về số lượng. Ví dụ, trong năm 2019, Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học, nghệ thuật Việt Nam đã tổ chức được 80 trại sáng tác với sự tham gia của 1.146 tác giả. Tuy nhiên, có bao nhiêu tác phẩm ra mắt, được công chúng đón nhận ra sao, hiệu quả có xứng với mức đầu tư thì chưa được thống kê, đánh giá.
TS Trần Hữu Sơn, nhà nghiên cứu văn hóa có kinh nghiệm nhiều năm gắn bó với hoạt động văn hóa cơ sở, cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, tăng cường nguồn lực cho văn hóa cần phải xem là vấn đề cấp bách, bởi mọi sự phát triển nếu không dựa trên nền tảng là các giá trị văn hóa thì sẽ khó bền vững. Bên cạnh duy trì các chính sách đầu tư, hỗ trợ cho sáng tạo văn học nghệ thuật, cần xây dựng đội ngũ cán bộ làm văn hóa đủ tầm, có năng lực quản lý; cần có những con người hiểu biết văn hóa, tài năng và đam mê. Nếu chỉ chăm chăm có lợi mới làm thì không bao giờ làm văn hóa được.
Theo TSKH Phan Đình Tân, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật trung ương, sự thiếu vắng những tác phẩm nghệ thuật trong nước có sức lay động, thu hút người xem đã khiến cho cơn lốc du nhập văn hóa ngoại lai càng thêm dữ dội và hệ lụy của nó rất khó lường. Đó cũng chính là lý do mà PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn học nghệ thuật quốc gia Việt Nam, khẩn thiết lên tiếng, cái mà chúng ta cần hiện nay là phải nâng cao nội lực của văn hóa. Nếu chúng ta muốn khán giả không choáng ngợp, say mê phim ngoại, thì phim nội phải có sức hấp dẫn, lôi cuốn công chúng. Muốn giới trẻ không bắt chước, sùng bái các trào lưu âm nhạc, thần tượng nhạc ngoại, thì chúng ta phải có nền âm nhạc và cuộc sống âm nhạc tương xứng. |