Trong loạt bài này, nhóm PV Báo SGGP sẽ đi tìm căn nguyên vì đâu những giá trị tốt đẹp về văn hóa dân tộc đang có nguy cơ mai một. Đây cũng là lúc chúng ta cần nhận thức rõ hơn sức mạnh của văn hóa trong công cuộc bảo vệ, xây dựng đất nước, đúng như tinh thần của Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam (NQ33) trong thời đại mới.
Những giá trị lệch chuẩn
Chúng tôi muốn bắt đầu loạt bài này từ những câu chuyện cảm động trong đợt dịch Covid-19. Đó là chuyện Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Chi (91 tuổi, quận Hải Châu, Đà Nẵng) đã tha thiết gửi 5 triệu đồng, số tiền mẹ dành dụm bấy lâu để ủng hộ mua sắm khẩu trang cho các bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch. Là chuyện của 2 em học sinh ở Thanh Hóa gửi tặng 2 con heo nhựa tiết kiệm với tổng số tiền hơn 2 triệu đồng vào quỹ phòng chống dịch Covid-19. Đặc biệt, không thể không nhắc đến cây ATM chia gạo cho người nghèo - một sáng chế của anh Hoàng Tuấn Anh (TPHCM) đã nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của những tấm lòng từ tâm, lan tỏa đi khắp cả nước. Và hơn hết, chúng tôi muốn nhắc đến hình ảnh những y bác sĩ, chiến sĩ ngày đêm bất chấp hiểm nguy giành giật từng cơ hội sống cho bệnh nhân… Những con người ấy đã viết nên bao câu chuyện tuyệt đẹp về lòng nhân ái, về sự dũng cảm quên mình vì cộng đồng và sự tận tâm với công việc... Họ đã truyền cảm hứng, tiếp thêm cho chúng ta niềm tin vào cuộc sống, tin vào những điều tốt đẹp vẫn từng giờ, từng phút tồn tại trong cuộc đời.
Lý giải về những biến đổi xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, cho rằng toàn cầu hóa khiến những lối sống xa lạ dễ dàng lan truyền, nhiều khi trở nên “hấp dẫn” một bộ phận giới trẻ. Ở thời đại 4.0, những clip xấu dễ xuất hiện, tiếp cận và chia sẻ hơn trên các phương tiện truyền thông mới, tạo ra những hiệu ứng xấu trong xã hội. Hơn nữa, việc chịu quá nhiều áp lực khiến cuộc sống của người Việt Nam không giống như trước kia. Quá trình đô thị hóa tạo ra tính vô danh, kết hợp với xu hướng cá nhân hóa đang gia tăng trong xã hội. Cái mới chưa rõ ràng, cái cũ thì vẫn còn tồn tại, dẫn đến xã hội mất phương hướng trong nhiều lĩnh vực cụ thể. Thế giới ảo không còn ảo nữa, mà chứa nhiều độc tố thật hơn thế giới thật và chi phối thế giới thật.
Chưa chuẩn bị tâm thế, bản lĩnh
Theo các chuyên gia về văn hóa, tất cả những biểu hiện nêu trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trong đó, căn nguyên vừa sâu xa, vừa trực tiếp là do chúng ta chưa chuẩn bị chu đáo về tâm thế, bản lĩnh trước khi bước vào sân chơi toàn cầu. Do chưa đủ kiến thức và sự tỉnh táo cần thiết, sự choáng ngợp trước những cuộc “xâm lăng mềm” về văn hóa là khó tránh khỏi. Hay nói cách khác, đó là do “sức đề kháng văn hóa” của chúng ta còn yếu.
Theo PGS-TS Bùi Hoài Sơn, “sức đề kháng văn hóa” được hiểu là khả năng phòng ngừa, bảo vệ, chống lại các sản phẩm văn hóa, thông tin độc hại từ bên ngoài xâm nhập còn yếu kém, sẽ là mảnh đất màu mỡ cho các “virus văn hóa” độc hại có cơ hội nảy sinh, lây lan, làm xói mòn tâm hồn, cốt cách văn hóa dân tộc. Hệ lụy của “sức đề kháng văn hóa” yếu, chính là sự xuất hiện của lối sống thực dụng, lệch chuẩn, đi ngược lại các giá trị chân - thiện - mỹ. Nó không chỉ làm mất đi bản sắc văn hóa riêng của từng dân tộc, mà từng bước có thể sẽ gây bất ổn chính trị xã hội và trở thành yếu tố phản phát triển. Đồng tình với nhận định này, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Trịnh Thị Thủy cũng cho rằng: “Tình trạng nhập khẩu, quảng bá, tiếp thu dễ dãi, thiếu chọn lọc sản phẩm văn hóa nước ngoài đã tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa của một bộ phận nhân dân, nhất là lớp trẻ. Những giá trị văn hóa truyền thống như tinh thần nhân ái, nhân văn, sự tôn trọng gia đình, huyết thống… cũng đang có biểu hiện rạn vỡ, để lại nhiều vết thương lòng cho xã hội”.
Nhận thức sự nguy hiểm của văn hóa ngoại lai, nhưng cách mà chúng ta đối phó với nó vẫn còn khá nhiều lúng túng. Lâu nay, chúng ta nghĩ phê phán hiện tượng tiêu cực để tăng cường nhận thức, nhưng công chúng đôi khi lại không nhận thức được đâu là tốt hay xấu, mà chỉ chú ý đến những yếu tố kỳ quặc của một hiện tượng. Hậu quả là công tác giáo dục, tuyên truyền bị phản tác dụng. Do đó, bên cạnh phê phán mạnh mẽ, chúng ta cần giáo dục, định hướng cho thế hệ trẻ hiểu tại sao lại phải phê phán, tại sao những điều đó lại xấu; từ đó ngăn chặn được hiện tượng các em đua đòi theo những xu thế mang tính nhất thời.
Một cách để tăng “sức đề kháng” với cái xấu là nhân lên cái tốt, nhưng trên thực tế, vấn đề này chưa thực sự được xã hội quan tâm. Chỉ điểm qua “mặt tiền” của nhiều tờ báo, chúng ta dễ dàng nhận ra những thông tin tích cực vẫn đang bị những thông tin tiêu cực lấn lướt. Mặc dù một số cơ quan báo chí chính thống đã dành thêm “đất” cho thông tin tích cực, cho các cuộc thi viết về người tốt việc tốt; tuy nhiên tỷ lệ so với những thông tin tiêu cực vẫn còn khá nhỏ, chưa có nhiều tấm gương cá nhân có khả năng truyền cảm hứng thời đại.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc tăng “sức đề kháng văn hóa” không phải chỉ một sớm một chiều, nhưng cũng sẽ không quá nan giải, nếu như các nhà quản lý có chiến lược dài hơi, đúng hướng, đồng bộ và đáp ứng được nhu cầu văn hóa tinh thần của công chúng. Thực tế, Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã vạch ra nhiều giải pháp; tuy nhiên từ chiến lược đến thực tế triển khai lại là một quãng đường quá dài.