Ngày 26-8 vừa qua, trong buổi làm việc với quận 1 về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khi bàn về chủ trương sắp xếp lại hoặc chuyển đổi nhóm mua bán hàng rong, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, lưu ý với lãnh đạo quận: “Đừng ai nghĩ trung tâm TPHCM là chỗ của người giàu, người sang trọng. Có bao nhiêu người buôn gánh bán bưng ở đây thì phải tìm hiểu họ là ai, tạo sinh kế thế nào cho họ. Đừng nghĩ đẩy họ ra khỏi chỗ này”.
Trước đó, ngày 16-7, khi đến thăm và chúc thọ nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, sau khi lắng nghe “người-trăm-năm” bộc bạch hành trình ông tìm đến chữ nghĩa, khảo cứu để có được một bộ sử liệu về tên đường của Sài Gòn - TPHCM, đã thốt lên: “Có những con người thật đặc biệt, hành nghề vá xe đạp bên đường cũng làm nên những điều kỳ tích của lịch sử”.
Đó là sự nhận diện đúng một “khuôn mặt” sống động nhất trong không gian đô thị, nếu không muốn nói nó là một phần của hồn cốt Sài Gòn - TPHCM, những con người gắn với sinh hoạt, kiếm sống trên mảnh đất đã và đang cưu mang họ.
Chính những “con người đặc biệt” với phận buôn gánh bán bưng “bên đường” ấy lại hình thành nên một cộng đồng “không tự giác” qua nhiều thế hệ, góp phần tạo nên một không gian, một nhịp sống và có thể là cả một dòng lưu chuyển văn hóa - kinh tế cho Sài Gòn - TPHCM.
Con người, không chỉ với tư cách chủ thể hiện diện, mà còn là hiện hữu trong dòng ký ức lịch sử đã tổng hòa và làm nên di sản cho thành phố này, nay đang được tiếp tục giữ gìn, phục dựng và kết nối, đánh thức cùng hiện tại.
Đây chính là giá trị cốt lõi trong quan điểm, phương hướng quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch - phát triển đô thị TPHCM hiện nay để những “xoay trục” cân bằng hơn, càng mở rộng (ngoại vi thành phố trong liên kết vùng) thì lại càng có chiều sâu hơn (nội vi thành phố với nhiều “vỉa tầng” văn hóa bản địa vốn mang tính mở, dung nạp, không cưỡng bức).
Phục dựng, tôn tạo các công trình văn hóa; nâng chất, đề cao và chấp nhận nhiều hướng tiếp cận hơn (với giới trẻ, du khách…) các nhân vật lịch sử gắn với sự hình thành, biến thiên, phát triển của thành phố. Sự nhập cuộc đi cùng cung cách dự khán của lãnh đạo thành phố cùng với nhân dân trong các sự kiện mang tính văn hóa tín ngưỡng, tưởng nhớ tiền nhân và gặp gỡ, trò chuyện với những “con người đặc biệt” đã gắn bó máu thịt với đất và người thành phố, đã tạo nên một sợi dây kết nối chân tình, nó gần gũi hơn nên cũng khắng khít hơn, tin cậy hơn.
Chính quyền phải thấy trước những điều tốt hơn, tốt nhất nên làm cho người dân, cho nên quyết tâm làm, cho dù có lúc phải “phủ quyết” chính mình. Quyết định tạm dừng thực hiện dự án Nhà hát Giao hưởng, nhạc, vũ kịch ở Thủ Thiêm “do cần ưu tiên cho các hoạt động an sinh và phục hồi kinh tế” hay lãnh đạo thành phố cho rằng “bắn pháo hoa (mừng Quốc khánh) nên để dịp khác, thay vào đó cần chăm lo cho đời sống của người dân nhiều hơn” là 2 ví dụ mới nhất, đã nhận được sự đồng thuận mạnh mẽ của nhân dân.
Chưa kể, tập trung mọi nguồn lực để trong ngày lễ trọng đại lập quốc, làm đường, chỉnh trang từng góc phố - mảng xanh, tiếp tục động thổ xây nhà ở cho người dân có thu nhập thấp, cải tạo, chỉnh trang, xây dựng chung cư cũ, nâng cao chất lượng sống cho cư dân đô thị.
Bởi cuối cùng, có được “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập...” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định trong bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 và lo cho được, làm cho tốt đời sống nhân dân giàu mạnh, hạnh phúc, là mục tiêu cao quý nhất, bền vững nhất.