Những nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam đang có lợi thế xuất khẩu vào thị trường này là nông thủy hải sản, thực phẩm chế biến, giày dép, dệt may và một số ngành hàng có giá trị gia tăng cao như điện, điện tử, điện thoại, trang thiết bị máy móc…
Tuy nhiên, ông Bùi Vương Anh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức, cho rằng, do hàng hóa xuất khẩu Việt Nam chỉ chiếm 2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của thị trường châu Âu nên dư địa thị trường còn rất lớn. Doanh nghiệp cần nắm rõ lợi thế, nhất là với những mặt hàng như nông thủy hải sản, dệt may, da giày… để gia tăng nhanh thị phần tại khu vực này. Riêng mặt hàng thủy sản, cần chú trọng đến cảnh báo về nguồn gốc từ Liên minh châu Âu (EU). Bởi hiện nay, EU đang gia tăng tần suất kiểm tra thủy sản xuất khẩu từ Việt Nam.
Ở góc độ khác, các tham tán thương mại cho rằng, Liên minh châu Âu có đến 28 nước nhưng hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam chỉ mới tập trung chủ yếu một số nước là Đức, Hà Lan, Italy, Pháp, Áo... Việc tập trung hẹp vào một số thị trường khiến nhiều doanh nghiệp gặp rủi ro, nhất là khi thị trường có biến động như dịch Covid-19 hiện nay. Do vậy, cần tính đến việc mở rộng thị phần tại khu vực này. Theo đại diện Tham tán Thương mại tại Thụy Điển, hiện doanh nghiệp Việt có thể mở rộng ngay thị phần sang khu vực Bắc Âu. Những mặt hàng có tiềm năng lớn là nhóm ngành hàng may mặc nữ, thủy sản, giày dép, cà phê chưa rang xay, hạt điều bóc vỏ…