Ông P.V.N. (cư dân ở đây) cho biết: “Hẻm số 8 có hơn chục căn hộ. Bà con cô bác trong hẻm này sống với nhau rất nghĩa tình và sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Nhưng cách nay 4 năm, từ khi cơ sở sản xuất nhựa của Công ty TNHH Sản xuất thương mại Tân Tín Văn dời về đây hoạt động, bà con trong hẻm phải sống trong nơm nớp lo sợ. Chỉ trừ ngày nghỉ, công ty không hoạt động thì không ồn ào, trong giờ làm việc, nhiều lúc tiếng máy dập ầm ầm và mùi nhựa xông ra nồng nặc. Trẻ em hẻm này hầu như đều bị các bệnh về hô hấp. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ khó khăn và tạo điều kiện cho cơ sở Tân Tín Văn hoạt động, nhưng đừng làm ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của bà con”.
Bà G.M. bức xúc kể: “Cơ sở sản xuất rộng lớn, nhưng chủ cơ sở lại đem những tấm khuôn gỗ mục ra chiếm dụng đường, vừa choán lối đi, dễ đổ ngã và dễ phát sinh hỏa hoạn. Chúng tôi góp ý thì chủ cơ sở nói đó là đất của họ, và không cho chúng tôi đặt mấy chậu cây sát tường của họ. Trong hẻm có vài đứa trẻ con, đi học về thì các cháu ra hẻm nô đùa. Mỗi khi cơ sở mở cổng thì mấy con chó nhào ra táp mấy đứa nhỏ. Chúng tôi lo ngại, góp ý, thì chủ cơ sở không tiếp thu mà còn hăm dọa sẽ xua chó ra cắn. Sự việc đã lên đến đỉnh điểm, khi cách đây vài ngày, cô con dâu của chủ cơ sở thấy mấy đứa nhỏ đang tụ tập trước cổng của cơ sở, đã lớn tiếng chửi bới. Người nhà của mấy đứa trẻ cãi lại thì cô lôi 2 phụ nữ này vào trong cơ sở hành hung thô bạo. Vụ việc đã được Công an phường Bình Trị Đông A tiếp nhận, mời các bên liên quan lên cơ quan công an. Nhưng, công an chỉ hỏi qua loa chứ không giải quyết thỏa đáng”.
Phóng viên Báo SGGP đã liên hệ Công an phường Bình Trị Đông A để xác minh vụ việc. Dù phóng viên đã trình giấy giới thiệu và thẻ nhà báo, nhưng trực ban Công an phường Bình Trị Đông A không tiếp nhận và yêu cầu đến Công an quận Bình Tân để xin giấy giới thiệu. Phóng viên đã cầm tờ đơn cầu cứu khẩn cấp của người dân ở hẻm số 8 đến UBND phường.
Phó chủ tịch UBND phường Bình Trị Đông A Nguyễn Ngọc Toàn tỏ ra khá bất ngờ. Ông Toàn cho biết: “Cơ sở này khi xưa hoạt động ở khu vực ngã tư Bốn xã, mới dời về đây vài năm. Cơ sở hoạt động có giấy phép do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp. Chắn chắn là có mâu thuẫn gì đó giữa người dân và chủ cơ sở. Chuyện bất an để kéo dài như vậy, nhưng bây giờ chúng tôi mới biết thông tin qua văn bản này. Theo quy định, hàng tuần lãnh đạo UBND phường đều sắp lịch tiếp công dân để ghi nhận những bất cập, thiếu sót của cán bộ cũng như tất cả tình hình ở các khu dân cư. Theo Chỉ thị 22 của Trung ương và Quyết định 33 của UBND TPHCM, chính quyền địa phương phải hỗ trợ tạo mọi điều kiện và không gây khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động, sản xuất - kinh doanh. Theo đó, mỗi năm một lần, UBND quận Bình Tân tổ chức đoàn liên ngành kiểm tra hành chính và các vấn đề như hàng gian, hàng giả, phòng cháy, lao động, y tế, môi trường…".
"Quy định là tạo điều kiện, hỗ trợ, nhưng không vì thế mà doanh nghiệp, cơ sở muốn hoạt động thế nào cũng được. Dứt khoát cơ sở phải hoạt động đúng theo quy định của pháp luật và nhất là không được làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân ở khu phố. Với văn bản phản ánh này và lý do phát sinh như thế, chúng tôi đủ cơ sở tổ chức kiểm tra cơ sở trong vài ngày tới”, ông Toàn cho biết thêm.
Báo SGGP sẽ tiếp tục theo dõi việc chính quyền địa phương giải quyết đơn cầu cứu của người dân hẻm số 8 đường Ao Đôi.