Theo phân tích của ông Yuichiro Shiotani, Tổng giám đốc Công ty TNHH AEON TOPVALU Việt Nam (công ty phụ trách hoạt động xuất khẩu hàng Việt Nam sang các thị trường nước ngoài thông qua hệ thống của AEON), người tiêu dùng Nhật Bản rất thực tế, họ không có khái niệm người Nhật phải dùng hàng của Nhật. Đối với họ, sản phẩm nào có chất lượng tốt, hợp thị hiếu thì họ sẽ mua. Bản thân ông cũng rất thích trái xoài của Việt Nam.
Ngoài ra, người tiêu dùng Nhật có xu hướng chi tiêu nhiều hơn cho hoạt động ăn uống bên ngoài, nên mãi lực các mặt hàng như tôm, cá ngừ, rau quả chế biến sẽ tăng trưởng trong thời gian tới. Đây có thể xem là cơ hội lớn, là thời điểm “vàng” để các doanh nghiệp Việt “tăng tốc”. Cơ hội cho doanh nghiệp Việt tại thị trường Nhật Bản là rất lớn.
Hiện nay, không chỉ có doanh nghiệp lớn như Bibica, Vinamilk… đẩy mạnh xuất khẩu hàng sang Nhật Bản, mà một số doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng có định hướng, tìm cách đưa hàng hóa thâm nhập vào xứ sở hoa anh đào. Trao đổi với chúng tôi, bà Phương Dung, Giám đốc Công ty Đông trùng hạ thảo Trường Sinh (TPHCM), cho biết đang tìm nhà tư vấn làm các thủ tục, giấy tờ để có thể xuất hàng sang Nhật. Tương tự, đại diện Công ty Ha Fa Bo (Long An), chuyên sản xuất sản phẩm chăm sóc tóc và da từ thảo dược, cũng đang liên hệ với các đối tác để tìm cách đưa hàng qua Nhật. Công ty đang tìm hiểu thông tin về các tiêu chuẩn, tiêu chí để có thể thâm nhập được vào hệ thống AEON Nhật Bản ở Việt Nam và xa hơn là đưa hàng vào được hệ thống AEON ngay tại Nhật Bản.
Thị trường Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, chỉ sau Hoa Kỳ và Trung Quốc. Nhu cầu nhập nông sản của quốc gia này là rất lớn. Tuy nhiên, thị trường này cũng được đánh giá là khó tính bậc nhất thế giới. Khi xuất khẩu thành công qua Nhật Bản là có thể đưa hàng hóa tới nhiều quốc gia khác trên thế giới. Nếu đưa được hàng vào AEON Việt Nam, nghĩa là hàng hóa của Việt Nam có thể đến được với thế giới. Trước tiên là cơ hội được tới thị trường các quốc gia Đông Nam Á. Các doanh nghiệp Việt nên trực tiếp sang Nhật Bản để khảo sát, tìm hiểu cụ thể về thị hiếu của người tiêu dùng Nhật, so sánh chất lượng, giá cả sản phẩm của mình với sản phẩm của các nước khác để từ đó định vị xem mình cần phải làm gì cho phù hợp.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT), hiện nay còn nhiều doanh nghiệp chỉ muốn kiếm tiền nhanh mà không xây dựng niềm tin, xây dựng văn hóa kinh doanh. Một số sản phẩm VietGAP dán nhãn chỉ để đối phó, để bán được hàng, chứ không thực chất. Bà Minh cũng đánh giá tiềm năng thị trường Nhật Bản còn rất lớn, vấn đề quan trọng là doanh nghiệp Việt cần xây dựng được niềm tin với đối tác Nhật về chất lượng. Việc cần làm ngay đối với các doanh nghiệp Việt lúc này là phải đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, vấn đề kiểm dịch theo quy định của Nhật Bản đối với nhiều loại trái cây tươi và thịt gia súc, gia cầm cũng cần được chú trọng, để xây dựng uy tín cho những ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Nhật. Muốn sản phẩm chất lượng tốt, doanh nghiệp bắt buộc phải áp dụng công nghệ cao. Nếu không tuân thủ được, rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu là rất lớn. Ngược lại, nếu làm tốt, doanh nghiệp Việt sẽ có nhiều cơ hội mở rộng thị trường.
Trao đổi về những điều kiện cơ bản để doanh nghiệp Việt có thể xuất hàng qua Nhật Bản một cách thuận lợi, ông Nguyễn Mạnh Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Fosllea (công ty chuyên về tư vấn, kết nối hàng hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản), cho biết các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tìm hiểu bạn hàng rất kỹ rồi mới quyết định làm ăn. “Thời gian đầu họ đặt hàng rất ít, nhưng nếu tạo được lòng tin, đơn hàng sẽ đến một cách ổn định trong những lần tiếp theo. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam, còn thiếu thông tin về thị trường, kinh nghiệm làm ăn với Nhật, cũng như chưa hiểu thấu đáo về văn hóa, tập quán kinh doanh của người Nhật. Vì thế, các doanh nghiệp Việt cần phải chủ động tìm hiểu thị trường hơn nữa,phải biết kiên nhẫn, không nóng vội và đặc biệt cần xây dựng được niềm tin với đối tác Nhật”, ông Việt nhấn mạnh. |