
Trước đó, tại thị trường Thái Lan, các sản phẩm bún, phở ăn liền của Vifon cũng khá thành công trong việc “chinh phục” người tiêu dùng Thái bởi quốc gia này vốn có nền ẩm thực nổi tiếng nhưng nhờ định vị phân khúc, chất lượng và giá cả phải chăng mà Vifon đã có chỗ đứng nhất định. Còn tại thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… rất nhiều sản phẩm từ nông sản, thủy sản, dệt may đến hàng thời trang của Việt Nam cũng đang dần tạo được chỗ đứng khi được người tiêu dùng các quốc gia này lựa chọn.
Từng bước nâng chất theo chuẩn quốc tế
Đánh giá từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho thấy, điểm sáng trong xuất khẩu những năm vừa qua là hàng hóa Việt Nam không chỉ tăng cường ở các thị trường truyền thống, mà còn khai thác được thị trường mới, tiềm năng và tận dụng hiệu quả các FTA thế hệ mới. Theo đó, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới, nhiều sản phẩm có chỗ đứng vững chắc và nâng cao được khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Mỹ, Australia, Singapore, Anh...
Đơn cử, sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang khu vực này liên tục tăng trưởng. Chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu sang EU đã đạt con số 6,3 tỷ USD, tăng 22,7% so với cùng kỳ. Dù EU là thị trường rất khó tính song DN Việt Nam đã nhanh chóng tiếp cận và tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA, khiến xuất siêu trong 2 tháng đầu năm với thị trường EU là 4 tỷ USD, tăng 36,3% so với cùng kỳ. Những mặt hàng có tăng trưởng xuất khẩu sang EU cao nhất là chất dẻo nguyên liệu; sản phẩm từ cao su; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sắt thép; hóa chất, thủy sản, rau quả, gạo…
Hay tại thị trường các nước thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), các sản phẩm thủy sản Việt Nam đã tận dụng triệt để lợi thế về thuế quan để gia tăng kim ngạch. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, khẳng định, thị trường CPTPP hiện đang dẫn đầu trong nhóm các thị trường nhập khẩu thủy sản của Việt Nam với giá trị kim ngạch tăng trưởng đột biến. 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sang các nước trong khối Hiệp định CPTPP tăng 34%, trong đó sang Australia tăng 105%, Nhật Bản tăng 25%, Mexico tăng 68%. Không chỉ tận dụng tốt lợi thế của các FTA, sản phẩm của Việt Nam cũng từng bước được nâng chất theo chuẩn quốc tế để tự tin hội nhập. Chẳng hạn với vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), mới đây loại quả này đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, mở ra con đường xán lạn trong hành trình xuất khẩu sắp tới.
Theo các chuyên gia, sự tin tưởng, liên tục đặt hàng của đối tác đã cho thấy hàng Việt hoàn toàn đáp ứng các tiêu chuẩn cao về chất lượng và an toàn thực phẩm của thị trường quốc tế. Không những vậy, các đơn hàng này được thực hiện thành công giữa bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bị đình trệ do Covid-19. Điều này cho thấy khả năng chống chọi của DN Việt, trong những thời điểm khó khăn luôn tìm ra cơ hội để sản phẩm Việt bứt phá mạnh mẽ.