Không quá khi sử dụng từ “đổ bộ” để nói về sự xuất hiện ngày càng nhiều DN ngoại thông qua các thương vụ sáp nhập, mua bán lên tới con số hàng tỷ USD. Tuy nhiên, trong thách thức luôn mở ra cơ hội và áp lực cạnh tranh chính là động lực để các DN Việt Nam chủ động thay đổi, nâng cao chất lượng sản phẩm. Lợi thế riêng Thị trường ngành hàng tiêu dùng nhanh đang chứng kiến cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các DN trong nước với các thương hiệu nước ngoài. Đơn cử, trong ngành hàng bánh kẹo, sự xuất hiện “ồ ạt” các sản phẩm bánh kẹo nước ngoài trên thị trường đã lấn át sản phẩm trong nước cùng loại. Từ sức ép cạnh tranh này, đòi hỏi các DN bánh kẹo trong nước phải đổi mới, tìm hướng đi mới để giành lại thị phần. Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Văn Thiện, Phó giám đốc Công ty Bibica chia sẻ, chính tâm lý sính ngoại của một bộ phận người tiêu dùng đang đặt ra thách thức đối với các DN nội như Bibica hay Hữu Nghị, Hải Hà... Ngoài ra, việc DN nội phải thường xuyên nhập nguyên liệu với giá cao để phục vụ sản xuất cũng là thách thức không hề nhỏ. Tuy nhiên, bánh kẹo trong nước có hương vị truyền thống riêng, nếu DN tiếp tục cải tiến chất lượng, đưa đến người tiêu dùng (NTD) thêm nhiều loại sản phẩm có chất lượng, hương vị đặc trưng thì chắc chắn NTD vẫn ủng hộ bánh kẹo mang thương hiệu Việt. Không chỉ ngành hàng bánh kẹo chịu sự cạnh tranh gay gắt đến từ các công ty nước ngoài, ngành sữa cũng đang rơi vào tình cảnh này. Theo thống kê, hiện sữa ngoại nhập chiếm tới 60% thị trường sữa trong nước. Theo ông Đỗ Thanh Tuấn, Giám đốc đối ngoại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), từ năm 1995 đến nay, đã có nhiều công ty sữa hàng đầu thế giới xâm nhập vào thị trường Việt Nam. Điều này đã dẫn đến sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa DN nội và ngoại. Xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, việc cạnh tranh giữa các DN là điều không thể tránh khỏi. Hiện nay nhiều DN nội cũng đã đủ mạnh để có thể cạnh tranh một cách công bằng với DN ngoại. Mặt khác, NTD hiện rất thông minh, cùng một sản phẩm chất lượng như nhau nhưng giá cả khác nhau thì họ sẽ chọn sản phẩm có giá cả hợp lý hơn để mua và yếu tố này thì DN nội chúng ta đang có. Hiện Vinamilk cũng đang tập trung sản xuất những sản phẩm sữa chất lượng tiêu chuẩn quốc tế, an toàn vệ sinh thực phẩm, không ngừng đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ, nhưng giá thành chỉ bằng khoảng 50% sản phẩm nhập ngoại. Ngoài ra, Vinamilk không ngừng nghiên cứu, sáng tạo để đưa ra nhiều sản phẩm có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng.Cạnh tranh sòng phẳng Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ và sâu rộng với khu vực và thế giới. Hệ quả của các hiệp định thương mại tự do đặt ra nhiều cơ hội và thách thức lớn. Nếu không cải thiện năng lực cạnh tranh của sản phẩm, nguy cơ thua trên sân nhà của DN Việt là rất cao. Do vậy, nâng cao năng lực cạnh tranh không chỉ là nhu cầu cấp thiết, liên tục và lâu dài mà còn là nội dung sống còn của DN và nền kinh tế. Về vấn đề này, ông Đỗ Thanh Tuấn cho rằng, để có thể cạnh tranh được với DN ngoại, các DN trong nước cần chú trọng đến chất lượng sản phẩm, giá cả và dịch vụ hậu mãi. Nếu triển khai được những biện pháp này, nhất định DN nội sẽ không thua kém các DN ngoại và có thể cạnh tranh một cách sòng phẳng.
Theo đại diện Hiệp hội DN TPHCM, trong bối cảnh công nghệ, kỹ thuật phát triển như hiện nay, DN cần tập trung nâng cao công nghệ để bảo đảm và duy trì khả năng tạo ra những lợi thế cạnh tranh mới cho sản phẩm. Trước hết, DN cần xác định rõ mình muốn gì? Muốn làm điều này phải xác định được mình có lợi thế gì? Sau đó phải chọn chiến lược cạnh tranh và phải đặt ra câu hỏi cạnh tranh bằng cái gì? Và muốn thế phải biết tập hợp khách hàng của mình và phân khúc, sau đó xác định sẽ có bao nhiêu đối thủ cũng chọn phân khúc đó. Phải chọn cái nào vừa tầm của mình, có ít đối thủ hơn.
Được biết, Vinamilk là DN sữa hàng đầu Việt Nam hiện nay, hướng tới mục tiêu là 1 trong những doanh nghiệp sữa lớn nhất thế giới với doanh thu 3 tỷ USD, các sản phẩm Vinamilk phục vụ mọi đối tượng khách hàng trong cũng như ngoài nước, gồm những mặt hàng chính như sữa bột, sữa đặc, sữa chua, kem, nước giải khát… với trên 200 loại sản phẩm. Hiện Vinamilk đã xuất khẩu các sản phẩm đến hơn 40 quốc gia trên thế giới. Hai “siêu nhà máy” sữa bột và sữa nước mới là những con át chủ bài trong chiến lược này. Sứ mệnh của Vinamilk luôn mang đến cho cộng đồng nguồn dinh dưỡng giá trị nhất bằng tất cả sự trân trọng, tình yêu và có trách nhiệm với cuộc sống. Ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng giám đốc Saigon Co.op cho rằng, để cạnh tranh một cách sòng phẳng với doanh nghiệp ngoại, các nhà sản xuất trong nước trước hết phải phát huy được những lợi thế của mình như am hiểu khẩu vị, văn hóa, tập quán tiêu dùng của người Việt; đầu tư nghiên cứu ứng dụng quy trình công nghệ hiện đại để cho ra đời những sản phẩm phù hợp với văn hóa của người Việt. Đặc biệt, các DN cần quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, đổi mới mẫu mã bao bì và đầu tư xây dựng hệ thống phân phối rộng khắp; đảm bảo tính tiện lợi, dễ tìm mua cho người tiêu dùng, cũng như chú trọng đến công tác truyền thông quảng bá. Về phía Chính phủ và các bộ ngành chức năng, theo nhiều DN, cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, khơi dậy tinh thần yêu nước của người dân thông qua những hành động rất thiết thực như “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Đồng thời, xây dựng chiến lược, dự báo thị trường, từ đó có sự định hướng kết hợp với việc tạo hành lang pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.