Hơn 3.400 sản phẩm giảm giá
Ghi nhận tại tất cả siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại thuộc hệ thống Saigon Co.op, từ nay đến hết ngày 6-5, sẽ có hơn 3.400 mặt hàng giảm giá 15% - 50%. Chương trình này không những áp dụng giảm giá mạnh cho các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như đường, sữa, gạo, thịt, rau củ quả, dầu ăn, mì gói… mà còn giảm giá các loại gia vị, chất tẩy rửa diệt khuẩn, hóa mỹ phẩm chăm sóc cá nhân, hàng thời trang và cả những sản phẩm dụng cụ nhà bếp.
Các sản phẩm thuộc ngành hàng thực phẩm có mức giảm giá trung bình 15%. Nhóm thực phẩm chế biến như các loại sữa, dầu ăn, bột nêm, bột ngọt, mì gói, nhiều loại xúc xích, các loại nước giải khát, nước trái cây, phô mai, cà phê hòa tan… giảm giá trung bình hơn 20%. Với nhóm hóa phẩm và hóa mỹ phẩm giảm giá 10% - 40%. Riêng nhóm hàng thời trang nam, nữ, người lớn, trẻ em, hầu hết đều giảm giá 25% - 30%. Giảm giá mạnh nhất là nhóm dụng cụ nhà bếp với mức giảm 25% - 50%. Ở các hệ thống siêu thị khác, hàng ngàn mặt hàng cũng đang được áp dụng mức giảm giá đến 50%. Trong đó, tập trung chủ yếu vào các sản phẩm thực phẩm tươi sống - chế biến, các loại rượu, bia, nước giải khát, quần áo thời trang, áp dụng từ nay đến ngày 9-5
Theo đại diện các hệ thống bán lẻ, những mặt hàng giảm giá tập trung chủ yếu là hàng “made in Việt Nam”. Việc triển khai hỗ trợ bán cũng như tiêu dùng hàng Việt trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp hiện nay được xem là giải pháp tiếp sức hiệu quả nhất cho DN Việt duy trì ổn định hoạt động sản xuất. Mặt khác, theo ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, có đến hơn 90% sản phẩm bán tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại của Saigon Co.op là hàng Việt. Cùng với việc tăng trưởng doanh thu hàng năm của đơn vị này cho thấy, mức độ tin cậy và ưu tiên dùng hàng Việt của người dân trong nước cũng tăng mạnh. Doanh số năm 2019 vượt kế hoạch đặt ra, đạt mức hơn 35.000 tỷ đồng, tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với năm 2018.
Nâng chất hàng Việt bền vững
Kinh nghiệm từ hơn 10 năm gắn kết và triển khai trực tiếp cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op cho thấy, thói quen nhìn nhận, đánh giá về hàng Việt của người tiêu dùng trong nước đã có nhiều thay đổi. Từ tâm lý thích và ưu tiên chọn hàng ngoại, người tiêu dùng trong nước đã dần chuyển sang sử dụng, góp ý và nhiệt tình ủng hộ hàng Việt. Việc Saigon Co.op mỗi năm xuất khẩu trung bình 2 triệu USD hàng Việt vào thị trường khó tính Singapore đã phần nào khẳng định chất lượng của hàng Việt.
Ở góc nhìn khác, nhiều DN xuất khẩu cho biết, vị thế hàng Việt trên thị trường quốc tế cũng đang dần thay đổi. Thay vì trước đây, hàng Việt chủ yếu xuất khẩu thô sang thị trường quốc tế. Sau đó, được các đối tác nhập khẩu chế biến, đóng gói và bán ra thị trường với thương hiệu của mình. Do vậy, người tiêu dùng thế giới dù ưa chuộng hàng Việt nhưng không thể nhận diện đó là hàng Việt. Để cải thiện tình trạng trên, từ năm 2017, với chiến lược xuất khẩu hàng Việt mang thương hiệu Việt, nhiều DN trong nước đã từng bước cải thiện quy trình, công nghệ và hình thức bao bì sản phẩm. Theo đó, xuất khẩu hàng Việt mang thương hiệu Việt, thay cho xuất khẩu thô. Thời gian đầu, nhiều DN thừa nhận rằng, rất khó để người tiêu dùng nước ngoài chấp nhận. Thế nhưng, trải qua hơn 3 năm, hàng Việt đã dần có chỗ đứng và vị thế nhất định trên thị trường quốc tế.
Trên thực tế, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vừa qua đã tạo nên một diện mạo khác biệt, đẳng cấp hơn cho hàng Việt cả về hình thức lẫn chất lượng và góc độ sáng tạo. Từ đó, giúp hàng hóa Việt Nam nhận được những tình cảm tốt đẹp của người tiêu dùng Việt và bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, về lâu dài, việc đưa hàng Việt tiếp cận với người tiêu dùng trong nước cũng như thế giới cần thay đổi. Theo đó, DN phải chủ động đưa hàng hóa tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng, tránh tình trạng người tiêu dùng phải tìm kiếm hàng Việt mà mình cần. Một yếu tố quan trọng khác, DN phải cải thiện chất lượng, hình thức sản phẩm ngày càng tốt hơn, tiệm cận với tiêu chuẩn toàn cầu để người Việt phải được sử dụng hàng Việt chất lượng tốt nhất.
Đại diện Hiệp hội DN TPHCM cho biết, tuy nội lực sản xuất của DN trong nước còn nhiều hạn chế, nhưng với lợi thế nắm bắt thói quen, tập quán sinh hoạt và đặc biệt là khẩu vị của người tiêu dùng trong nước, hàng Việt đã có chỗ đứng chắc chân tại thị phần nội địa, bất chấp hàng hóa ngoại nhập ồ ạt vào nước ta. |