Tại tỉnh Bạc Liêu, theo Ban chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh này, năm 2021, tuy ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng các ngành, DN và các địa phương trong tỉnh vẫn tiếp tục tổ chức thực hiện tốt cuộc vận động này. Đặc biệt, từ Tết Nguyên đán 2022 đến nay, các ngành, địa phương đã khuyến khích DN đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và không ngừng nâng cao chất lượng, tính cạnh tranh của hàng Việt. Trong đó, DN, cửa hàng bán lẻ và siêu thị đã tung ra thị trường nhiều hình thức khuyến mãi hấp dẫn để thu hút khách hàng với khối lượng hàng hóa đa dạng và phong phú. Qua đó, đưa tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ trên thị trường trong tháng 2-2022 đạt trên 5.312 tỷ đồng, nâng tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ trong 2 tháng đầu năm 2022 lên 10.346 tỷ đồng, bằng 16% kế hoạch, tăng 10,35% so với cùng kỳ.
Với TP Cần Thơ, để nâng cao chất lượng và hiệu quả thực hiện cuộc vận động, Sở Công thương TP Cần Thơ đã và đang đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại; triển khai các chương trình hỗ trợ cơ sở sản xuất, DN xây dựng thương hiệu cũng như kết nối tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm chủ lực vào siêu thị, hệ thống cửa hàng tiện ích trong và ngoài thành phố; đồng thời tạo điều kiện cho các DN tổ chức thêm điểm bán hàng Việt, kết hợp với bán hàng bình ổn thị trường. Theo Sở Công thương TP Cần Thơ, tới nay các điểm bán hàng Việt đã tạo nguồn cung hàng hóa ổn định cho hệ thống phân phối, đưa nhiều sản phẩm Việt có chất lượng đến tay người tiêu dùng. Từ đó đã tạo bước chuyển tích cực, nâng tỷ lệ hàng Việt, chiếm trên 90% tại các hệ thống phân phối, góp phần lan tỏa xu hướng tiêu dùng sản phẩm mang thương hiệu Việt đến người dân thành phố.
Tại Long An, rất nhiều mô hình sáng tạo để đưa hàng Việt tới tay người tiêu dùng, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp đã được chính quyền và DN phối hợp thực hiện. Chẳng hạn, Sở Công thương Long An đã kết nối với các đơn vị cung ứng để thực hiện cung cấp thực phẩm tươi sống (thịt heo, gà, cá), trứng, rau củ quả và nhu yếu phẩm thiết yếu khác, vận chuyển đến điểm bán bằng xe lưu động. Theo đó, rau củ quả, thịt gà… được đơn vị cung ứng đóng gói từng phần hoặc phân loại để thuận tiện cho việc bán hàng. Riêng sản phẩm thịt, cá thì do nhân viên của đơn vị cung ứng bán trực tiếp để bảo đảm an toàn thực phẩm. Nhờ hình thức này, dù tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp song người dân tại các huyện, xã vùng sâu, vùng xa vẫn được tiếp cận các chuyến hàng Việt chất lượng, giá tốt.
Có thể nói, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã góp phần thúc đẩy xu hướng, thói quen lựa chọn mua hàng Việt ngày càng gia tăng, xóa dần tâm lý của một bộ phận người tiêu dùng chuộng hàng ngoại nhập. Riêng các DN, nhà sản xuất đã có nhiều nỗ lực trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và cung ứng những sản phẩm có chất lượng, giá thành hợp lý.
Tuy vậy, theo Ban chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” các tỉnh ĐBSCL, lợi dụng sự phổ biến của hàng Việt với chất lượng nâng cao thời gian gần đây, nhiều mặt hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được chào bán công khai qua các mạng xã hội như Facebook, YouTube, ứng dụng OTT, Zalo, Viber… Điều đáng nói là việc bán hàng qua mạng không cần phải có địa điểm, kho chứa hàng hóa, lấy hàng từ nhiều nơi khác nhau, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối tượng. Chính vì thế, trong giai đoạn tới, để cuộc vận động đi vào chiều sâu và phát huy hiệu quả hơn, nhiều ý kiến cho rằng ban chỉ đạo cần chú trọng các hoạt động phát triển thị trường, xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm, phân phối và tiêu dùng hàng Việt Nam. Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương cũng cần thực hiện chính sách hỗ trợ DN tham gia hoạt động xúc tiến thương mại; xây dựng điểm bán sản phẩm đặc thù tại từng tỉnh.