Theo Bộ Công thương, hiện có khoảng 200 DN Việt Nam tham gia giới thiệu bán hàng trên trang thương mại điện tử Amazon. Trên Alibaba.com hiện có khoảng 1.000 DN Việt. Nhằm khai thác tốt thị trường Việt Nam, Amazon và Alibaba đều đã tăng cường thiết lập các đại lý kinh doanh ủy quyền. Alibaba.com là sàn thương mại điện tử chuyên dành cho hoạt động B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) thuộc tốp dẫn đầu thế giới. Thông qua sàn này, các doanh nghiệp Việt Nam có thể quảng bá sản phẩm tới 260 triệu DN mua hàng tại 240 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau. Theo ông Phạm Đạt, Tổng giám đốc Fado, thị trường lớn nhất trên Alibaba hiện nay là Mỹ và EU. Qua sự hợp tác này, khả năng quảng bá, chào hàng, tìm kiếm đối tác nước ngoài của các DN vừa và nhỏ Việt Nam cũng sẽ đơn giản và thuận tiện hơn. Alibaba và Fado sẽ tập trung vào nhóm sản phẩm mà Việt Nam có lợi thế như gỗ nội thất, dệt may da giày, thực phẩm và đồ uống... Trong khi đó, việc tham gia vào chương trình bán hàng toàn cầu của Amazon (Amazon Global Selling) sẽ giúp DN Việt Nam có thể tiếp cận hơn 300 triệu tài khoản người mua trên toàn cầu của tập đoàn, đồng thời là cơ hội tăng cường xuất khẩu sản phẩm qua kênh thương mại điện tử này ra toàn thế giới. Amazon có trang thương mại điện tử tại 185 quốc gia, ngoài ra Amazon hiện có hơn 175 trung tâm hoàn thiện đơn hàng trên thế giới giúp hỗ trợ người bán vận chuyển sản phẩm đến người mua tại 185 quốc gia và khu vực.
Theo đánh giá từ phía Amazon, Việt Nam có thế mạnh về các mặt hàng như đồ gia dụng, may mặc, giày da, thủ công... là những mặt hàng có thể bán rất tốt trên Amazon. Việt Nam còn có cộng đồng lớn người trẻ, sáng tạo, có khả năng tiếp cận và bán hàng dễ dàng qua thương mại điện tử. Tuy nhiên, các DN Việt Nam cần nâng cao trình độ ngoại ngữ, khả năng xây dựng thương hiệu. Đặc biệt, việc tuân thủ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm cũng là những yêu cầu, thách thức đặt ra với các DN Việt Nam nếu muốn bán hàng trên các kênh thương mại điện tử toàn cầu. Các thị trường xuất khẩu lớn như châu Âu, Mỹ, Nhật... đều có quy định nghiêm ngặt về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), cho biết thêm, nếu DN đạt được chứng chỉ để tham gia bán hàng trên Amazon, các nhà mua hàng ở nhiều nơi sau khi nhìn thấy sản phẩm đó sẽ tìm kiếm giao dịch thông qua sàn Alibaba. Việc chọn tham gia bán hàng trên sàn nào là tùy thuộc vào sản phẩm, định hướng kinh doanh của từng DN. Nhưng xu hướng thương mại điện tử xuyên biên giới là tất yếu và ngày càng trở thành kênh quan trọng cho việc xuất khẩu của các DN. Sắp tới Vecom sẽ đẩy mạnh quảng bá, tổ chức đào tạo và hướng dẫn để đưa một số làng nghề của Việt Nam tham gia bán hàng qua các sàn thương mại điện tử lớn. Từ đó góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất của các sản phẩm truyền thống ngay cả trong thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.
Về phía Bộ Công thương, trong năm 2019, bộ sẽ tổ chức các chương trình hỗ trợ các DN tăng cường năng lực xuất khẩu thông qua bán sản phẩm trên hệ thống bán lẻ trực tuyến của các sàn thương mại điện tử cũng như cung cấp thông tin về cơ hội xuất khẩu, kết nối đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa phù hợp đồng thời hướng dẫn họ bắt đầu bán hàng trên hệ thống bán lẻ trực tuyến quốc tế. Ngoài ra, bộ cũng sẽ hướng dẫn và hỗ trợ DN hoàn thiện sản phẩm, cải tiến mẫu mã, hoàn tất thủ tục xuất khẩu.