Báo cáo nhanh mới đây của Bộ Công thương, công tác dự trữ chuẩn bị hàng hóa cho dịp Tết Tân Sửu 2021 đã được các địa phương, doanh nghiệp (DN) nghiêm túc triển khai, đặc biệt là Chương trình Bình ổn thị trường (BOTT). Từ chỗ ban đầu chỉ có TPHCM là địa phương tiên phong thực hiện, đến nay cả nước đã có 27 tỉnh/thành phố triển khai Chương trình BOTT. Tính riêng trong dịp tết vừa qua, lượng hàng hóa BOTT được các địa phương chuẩn bị đã chiếm khoảng 20-35% nhu cầu thị trường. Đặc biệt, qua nhiều năm thực hiện, tới nay nguồn vốn để dự trữ hàng hóa chủ yếu được huy động từ nguồn xã hội hóa, hạn chế sử dụng nguồn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.
Cụ thể với tỉnh An Giang, theo Sở Công thương tỉnh này, từ 1-11-2020 đến 28-2-2021, các DN trong tỉnh dành ngân sách trên 1.764 tỷ đồng để thực hiện BOTT tết cho những mặt hàng thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, hóa mỹ phẩm, điện máy, xăng đầu, khí dầu mỏ hóa lỏng,... kèm theo các chương trình khuyến mại giảm giá, tặng quà, bốc thăm trúng thưởng, giúp người dân an tâm mua sắm với giá cả hợp lý.
Hay tại Bình Dương, ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương Bình Dương, cho biết, trong kế hoạch năm 2021, nhằm bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và ứng phó với dịch bệnh Covid-19, hiện có 13 DN của tỉnh đã đăng ký tham gia Chương trình BOTT hàng hóa thiết yếu năm 2021, tổng giá trị hàng hóa gần 4.800 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, bên cạnh những địa phương đã có kinh nghiệm thực hiện BOTT các năm trước, năm nay, một số địa phương khác như Hậu Giang, Kon Tum... cũng bắt đầu thực hiện Chương trình BOTT một cách quy mô và bài bản (tổ chức mỗi huyện, thị xã 1 điểm bán hàng bình ổn).
Cùng với đó, số lượng các địa phương thực hiện theo phương thức kết nối DN với tổ chức tín dụng tăng so với năm trước. Điều này đã khuyến khích, mở rộng số lượng DN tự nguyện tham gia BOTT, cam kết bình ổn giá không cần sự hỗ trợ về vốn vay từ ngân sách Nhà nước.
Đáng chú ý, nhiều DN lớn như Vissan, Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt, Bibica, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Saigon Co.op… liên tục tham gia Chương trình BOTT nhiều năm nay. Các DN này đầu tư nhiều vào khâu nâng cao chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, đa dạng hóa mặt hàng, sản xuất theo quy trình khép kín từ sản xuất, cung ứng đến phân phối. Trong đó, 100% sản phẩm trứng, thịt gia cầm; thịt heo, thịt bò, rau, củ, quả đều được truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm. Chẳng hạn, Saigon Co.op đã tổ chức thực hiện ứng vốn cho các DN, cơ sở sản xuất vệ tinh để phát triển sản xuất, cung ứng hàng hóa, chủ động phát triển các sản phẩm organic và chuẩn VietGAP, góp phần định hướng tiêu dùng cho người dân.
Đặc biệt, cùng với việc đẩy mạnh tổ chức kết nối giao thương, ổn định thị trường giữa các địa phương, các DN sản xuất, DN kinh doanh phân phối để tạo nguồn hàng dự trữ với giá ổn định, các tỉnh, thành phố rất quan tâm, chỉ đạo các DN tham gia BOTT đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối đưa hàng bình ổn tới tay người tiêu dùng, chú trọng tới người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng bão lũ, vùng biên giới, hải đảo...
Cùng với kế hoạch cụ thể về những hoạt động thực hiện BOTT, Bộ Công thương cho biết, việc lưu thông phân phối hàng bình ổn có vai trò rất quan trọng của các hệ thống kênh phân phối. Cụ thể, các mặt hàng BOTT hiện được lưu thông, phân phối thông qua các chợ truyền thống và các hệ thống phân phối hiện đại gồm 8.500 chợ, 1.084 siêu thị và khoảng 241 trung tâm thương mại và hàng ngàn cửa hàng tiện lợi... trên cả nước. Tham gia BOTT, nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, các cửa hàng tiện ích đã có những chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu với mục đích kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh thu nhập của người dân bị giảm và dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Theo Bộ Công thương, chính sự chủ động của DN trong tham gia BOTT đã góp phần giúp hàng Việt lan tỏa rộng rãi và ngày càng chiếm lĩnh thị trường.