Áp lực điều chỉnh giá lớn
Nếu như 8 tháng đầu năm 2023, thị trường hàng hóa trong nước được đánh giá khá ổn định, không có sự tăng giá đột biến thì trong 4 tháng còn lại, với nhiều áp lực về chi phí, nhiều doanh nghiệp cho biết có thể sẽ phải điều chỉnh giá sản phẩm. Đơn cử ở ngành hàng lương thực thực phẩm, do tác động lệnh cấm xuất khẩu gạo từ Ấn Độ đã khiến giá gạo trong nước tăng theo.
Dù chưa có con số cụ thể, song theo ghi nhận của lực lượng quản lý thị trường ở nhiều địa phương phía Nam, giá gạo hiện đã tăng từ 1.000-2.000 đồng/kg so với thời điểm tháng 7-2023. Ngoài mặt hàng gạo, đường cũng nằm trong danh sách sản phẩm tăng giá sau khi Ấn Độ có thông tin cấm xuất khẩu đường vì lo ngại không đủ cung cấp trong nước.
Bối cảnh trên khiến giá đường tại Việt Nam bắt đầu tăng theo thế giới. Cụ thể trong tháng 8-2023, giá đường trong nước đã tăng lên mức cao nhất vài năm trở lại đây, đạt từ 20.000 - 21.500 đồng/kg, tăng 12% so với thời điểm đầu năm và tăng 14% so với cùng kỳ. Thậm chí, ngày 28-8, có công ty đã thông báo giá đường kính trắng là 26.000 đồng/kg và đường tinh luyện là 27.000 đồng/kg, tăng hơn nhiều so với trước đó.
Cùng với biến động giá cả thế giới, áp lực chi phí như điện, lương công nhân… tăng cũng khiến không ít doanh nghiệp đứng trước bài toán phải điều chỉnh giá thành để cân đối hoạt động.
Mặt khác, trong báo cáo mới đây của Bộ Công thương cũng cho biết, việc tăng lương cơ sở từ ngày 1-7 vừa thúc đẩy cầu trong nền kinh tế nhưng có thể sẽ gây ra những hệ lụy nhất định đối với doanh nghiệp, người lao động, nhất là vấn đề gia tăng mặt bằng giá cả trong nước. Vì vậy, công tác điều hành giá cả dự kiến gặp nhiều khó khăn với áp lực lạm phát gia tăng do giá các mặt hàng nguyên vật liệu, mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới tiềm ẩn nguy cơ tăng giá, rủi ro về tỷ giá tạo sức ép lên chi phí nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu trong nước.
Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, chia sẻ, gần đây có nhiều doanh nghiệp đã gửi thông tin đến nhà bán lẻ này bày tỏ mong muốn tăng giá hàng hóa, trong đó mức cao nhất tăng khoảng 25%. Theo lý giải của các nhà cung cấp, họ đang phải chịu áp lực đầu vào như xăng, điện, nhân công, nguyên liệu… tăng cao, dẫn tới giá thành hàng hóa bị đội lên; nếu không điều chỉnh tăng giá bán sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp.
Linh hoạt điều hành để ổn định thị trường
Theo Bộ Công thương, những biến động nói trên đòi hỏi các cơ quan quản lý không được lơ là, chủ quan mà phải theo dõi chặt chẽ tình hình biến động cung cầu, giá cả hàng hóa trên thế giới và trong nước để sẵn sàng các phương án ứng phó kịp thời.
Trong những tháng cuối năm, Bộ Công thương cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện hoặc đề xuất Chính phủ các biện pháp nhằm bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu khi thị trường xảy ra biến động bất thường; phối hợp với các bộ ngành trong việc tham mưu điều hành giá các mặt hàng do nhà nước quản lý giá, trong đó có mặt hàng xăng dầu nhằm bảo đảm cung ứng xăng dầu trên thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát chung theo mục tiêu của Chính phủ.
Đặc biệt, Bộ Công thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại để hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản; triển khai đồng bộ, hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Ngoài ra, phối hợp với các đơn vị truyền thông cung cấp thông tin đầy đủ đến người dân về tình hình nguồn cung hàng hóa… tạo tâm lý ổn định cho người tiêu dùng, xử lý kịp thời các thông tin sai lệch gây tâm lý bất ổn cho người tiêu dùng.
Về phía các doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Anh Đức, ở thời điểm hiện tại, Saigon Co.op chưa chấp nhận tăng giá từ nhà cung cấp nào. Tuy vậy, với những khó khăn hiện nay, các bên sẽ phải làm việc lại để có những cân đối phù hợp với tình hình thực tế của thị trường.