Ngày càng tin tưởng hàng Việt
Theo Sở Công thương TPHCM, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tiếp tục góp phần vào việc nâng cao nhận thức của người dân thành phố trong việc lựa chọn, tiêu dùng hàng Việt; đồng thời giúp doanh nghiệp nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm, không ngừng cải tiến, đổi mới quy trình sản xuất tạo ra sản phẩm có chất lượng, bảo đảm sức cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Cuộc điều tra Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2019 do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao công bố gần đây cũng cho thấy, sản phẩm trong nước vẫn chiếm ưu thế trên thị trường hàng hóa với tỷ lệ đa số người tiêu dùng yêu thích tới 89% và thường mua dùng là 93%.
Hay, thông qua kết quả nghiên cứu xã hội học về thói quen tiêu dùng của người Việt, do Viện Nghiên cứu dư luận xã hội đưa ra, có đến 92% người tiêu dùng được hỏi cho rằng, họ rất quan tâm đến hàng sản xuất trong nước, 63% người tiêu dùng khẳng định sẽ ưu tiên sử dụng hàng Việt và 54% người tiêu dùng khuyên bạn bè, người thân của mình lựa chọn sử dụng hàng Việt Nam khi mua sắm. Đó là một tín hiệu đáng mừng cho công tác triển khai và vận động trong thời gian qua.
Trên thực tế, tại các hệ thống bán lẻ siêu thị, cửa hàng tiện lợi hiện nay, tỷ lệ hàng Việt đều chiếm đến trên 90% trong tổng số hàng hóa được kinh doanh. Giám đốc một siêu thị tại quận Gò Vấp cho hay, 97% hàng hóa kinh doanh tại đây đều là hàng sản xuất trong nước, chỉ vài phần trăm là hàng nhập khẩu để phục vụ nhu cầu của phân khúc khách hàng cao cấp.
Vị này cũng cho biết, để hỗ trợ nhà cung cấp và kích cầu cho hàng Việt, luân phiên mỗi tháng, siêu thị đều có những chương trình khuyến mãi tập trung theo từng ngành hàng và luôn thu hút được đông đảo người tiêu dùng. Doanh số của nhà cung cấp theo đó cũng được cải thiện rõ rệt.
Bán lẻ góp phần tạo cầu nối cho hàng Việt
Việc hỗ trợ cho các nhà cung cấp sản phẩm Việt đã được các kênh bán lẻ thực hiện từ nhiều năm nay. Tại Saigon Co.op, trong suốt 10 năm qua đã kiên trì quảng bá, cải tiến sáng tạo liên tục để giúp hàng Việt ngày càng chiếm được cảm tình của người tiêu dùng cũng như tăng thị phần.
Trong buổi làm việc với Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vào cuối tháng 3 vừa qua, ông Nguyễn Anh Đức - Phó Tổng Giám đốc Thường trực Saigon Co.op, cho biết, bên cạnh việc duy trì tỷ lệ hàng Việt trong hệ thống bán lẻ của mình ở mức cao hơn 90%, đơn vị này đã chủ động áp dụng công nghệ để tuyên truyền quảng bá hàng Việt hiệu quả, tạo sự lan tỏa đến người tiêu dùng cả nước.
Các nhóm giải pháp chính mà Saigon Co.op tập trung để triển khai hiệu quả cuộc vận động là: thông tin tuyên truyền vận động, kết nối doanh nghiệp với thị trường tiêu thụ, hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp và triển khai các chương trình khuyến khích sử dụng hàng Việt Nam.
Số điểm bán chủ lực gồm Co.opmart, Co.op Food, Co.opXtra của Saigon Co.op đã tăng lên đáng kể, gấp gần 5 lần trong 10 năm qua, kéo theo lượng khách hàng tăng mạnh, từ đó đã giúp thúc đẩy tiêu thụ một lượng lớn hàng Việt.
Theo đó, một loạt hoạt động điển hình mà Saigon Co.op thực hiện có thể kể đến như phối hợp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM, các cơ quan truyền thông…, nhằm tuyên truyền quảng bá, vận động sử dụng hàng Việt; tổ chức tháng khuyến mãi lớn “Tự hào hàng Việt”; Quảng bá hàng Việt trên App, mạng xã hội và công cụ số; hỗ trợ kết nối tiêu thụ hàng Việt. Và đặc biệt, xuất khẩu nông sản Việt sang thị trường Singapore trong gần 5 năm liên tục, với tổng giá trị gần 10 triệu USD. Dự kiến trong năm nay, các chương trình trên sẽ tiếp tục được triển khai, tuy nhiên sẽ có nhiều điểm mới để thu hút người tiêu dùng.
Cũng như Saigon Co.op, tuyên truyền, quảng bá cho hàng Việt đã được các hệ thống siêu thị như Big C, Lotte Mart... thực hiện với nhiều cách làm khác nhau và đều mang lại hiệu quả thiết thực, giúp người tiêu dùng nhận diện và tin tưởng hàng Việt.
Các hệ thống này không chỉ thường xuyên tổ chức các chương trình thu mua hỗ trợ tiêu thụ nông sản như hành tím, vải thiều, chuối già... mà còn thường xuyên tổ chức các chương trình nhằm hỗ trợ quảng bá, kích cầu, tạo giá trị gia tăng và xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam, như: “Tuần lễ cá sông Đà”; “Tuần lễ nhãn lồng Hưng Yên”; “Tuần lễ nhãn và nông sản an toàn tỉnh Sơn La”; Chương trình “Tuần lễ sản phẩm OCOP” (mỗi xã phường một sản phẩm)…
Có thể nói, sự hỗ trợ từ các hệ thống bán lẻ là cơ sở bền vững để những nhà cung cấp, các hộ sản xuất, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam ở các địa phương mở rộng năng lực cung ứng, tiến tới xây dựng giải pháp đầu tư để tạo giá trị gia tăng cho nông sản; qua đó góp phần từng bước xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt.