Kim ngạch xuất nhập khẩu khẩu hai chiều Việt Nam - Hàn Quốc trong 10 tháng năm 2017 đạt gần 45 tỷ USD, tăng hơn 52% so với cùng kỳ.
Tận dụng tối đa lợi thế về thuế
Lý giải sự tăng trưởng trên, bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công thương, cho rằng, Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Hàn Quốc có mục đích bổ trợ nhau theo hướng Việt Nam đẩy mạnh xuất hàng hóa mà Hàn Quốc cần và ngược lại. Do vậy, doanh nghiệp giữa hai nước không bị đối kháng trực tiếp, nên kim ngạch xuất khẩu hàng chủ lực Việt Nam tại thị trường này tăng cao. Doanh nghiệp Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể về thiết kế bao bì, mẫu mã hàng hóa. Chất lượng và chủng loại sản phẩm cũng phù hợp hơn với thị trường Hàn Quốc. Đặc biệt, giá chào bán sản phẩm của Việt Nam so với sản phẩm tương tự của các nước đến từ Philippines, Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan cạnh tranh hơn rất nhiều. Tâm lý tiêu dùng của người Hàn Quốc cũng ưa chuộng sản phẩm đến từ Việt Nam.
Tận dụng tối đa lợi thế về thuế
Lý giải sự tăng trưởng trên, bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công thương, cho rằng, Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Hàn Quốc có mục đích bổ trợ nhau theo hướng Việt Nam đẩy mạnh xuất hàng hóa mà Hàn Quốc cần và ngược lại. Do vậy, doanh nghiệp giữa hai nước không bị đối kháng trực tiếp, nên kim ngạch xuất khẩu hàng chủ lực Việt Nam tại thị trường này tăng cao. Doanh nghiệp Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể về thiết kế bao bì, mẫu mã hàng hóa. Chất lượng và chủng loại sản phẩm cũng phù hợp hơn với thị trường Hàn Quốc. Đặc biệt, giá chào bán sản phẩm của Việt Nam so với sản phẩm tương tự của các nước đến từ Philippines, Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan cạnh tranh hơn rất nhiều. Tâm lý tiêu dùng của người Hàn Quốc cũng ưa chuộng sản phẩm đến từ Việt Nam.
Xuất khẩu dệt may là mặt hàng chủ lực sang Hàn Quốc chiếm tỷ lệ 29%. Ảnh: CAO THĂNG
Một nguyên nhân khác, theo bà Hiền, là doanh nghiệp nội tận dụng hiệu quả lợi thế thuế suất từ FTA Việt Nam - Hàn Quốc. Trong đó, những mặt hàng thủy sản, hạt tiêu, rau quả, giày dép và linh kiện, phụ tùng xe có tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế suất rất cao, đạt tỷ lệ 84% - 99%; những mặt hàng như thép, sắt có tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế suất thấp, chỉ khoảng 26%. Riêng với TPHCM, mặt hàng xuất khẩu mạnh sang Hàn Quốc vẫn tập trung vào dệt may (chiếm 29%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (chiếm 28,9%), gỗ và sản phẩm gỗ (chiếm 6%), hàng thủy hải sản (chiếm 5,9%) và giày dép các loại (chiếm 5,2%).
Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cũng đang tận dụng tốt lợi ích kép từ FTA Việt Nam - Hàn Quốc khi mở rộng thị phần xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Hiện tại, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã ký kết FTA, nhưng mặt khác, EU cũng đã ký kết FTA với Hàn Quốc. Do vậy, khi doanh nghiệp nhập nguyên liệu sản xuất từ Hàn Quốc và xuất khẩu sản phẩm sang thị trường EU vẫn được hưởng những lợi thế thuế suất xuất khẩu và ngược lại.
Tăng lợi kép cho doanh nghiệp xuất khẩu
Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết, Việt Nam đã tham gia ký kết 12 FTA; trong đó, có 10 FTA đã có hiệu lực, 2 FTA chưa có hiệu lực. Theo lộ trình cam kết, giai đoạn 2017 - 2020, phần lớn các FTA mà Việt Nam tham gia đều bước sang giai đoạn cắt giảm sâu, xóa bỏ hàng rào thuế quan đối với phần lớn các dòng thuế trong biểu thuế nhập khẩu. Nhờ đó, doanh nghiệp nội có thêm cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, cùng với những lợi thế tận dụng, doanh nghiệp cần phải đáp ứng những hàng rào kỹ thuật thương mại ngày càng khắt khe và chặt chẽ. Riêng với FTA Việt Nam - Hàn Quốc mang lại nhiều lợi thế nhưng rào cản đặt ra cho doanh nghiệp cũng không ít.
Tính chất FTA Việt Nam - Hàn Quốc mang tính bổ trợ, theo hướng Hàn Quốc sẽ áp dụng mức thuế ưu đãi cho những hàng hóa của Việt Nam nhưng tại Hàn Quốc đang thiếu hoặc sản xuất trong nước còn yếu và ngược lại. Điều này tuy tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ lực Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc nhưng lại không thể tạo cơ hội cho những ngành sản xuất khác của Việt Nam phát triển. Đơn cử, sản phẩm thịt bò Việt Nam khi xuất sang thị trường Hàn Quốc phải chịu mức thuế suất là 32% - 45%.
Không những thế, những quy định khắt khe về hàng rào kỹ thuật cũng khiến nhiều doanh nghiệp bị loại khỏi thị trường xuất khẩu này. Ông Nguyễn Quan Phúc, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực TPHCM, Cục Xuất nhập khẩu, cho biết, nhiều doanh nghiệp sử dụng tiếng Việt để mô tả hàng hóa khi khai báo tờ khai, gây nhầm lẫn khái niệm và bị áp mã số xuất khẩu không đúng, dẫn đến bị trả hàng hoặc cho xuất nhưng không được hưởng thuế suất ưu đãi. Những quy tắc xuất xứ trong bối cảnh nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước vẫn chủ yếu phụ thuộc nhập khẩu cũng đã hạn chế đáng kể kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Hàn Quốc.
Cũng tại cuộc họp, nhiều doanh nghiệp cho rằng, dù Bộ Công thương đã cho phép thực hiện quy định tự chứng nhận xuất xứ nhưng rất ít doanh nghiệp được cấp phép thực hiện vấn đề này. Đến nay chỉ 2 công ty được tự chứng nhận xuất xứ là Nestlte và Vinamilk.
Để tăng nội lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường Hàn Quốc, ông Nguyễn Quan Phúc nhấn mạnh, việc cho phép doanh nghiệp tự cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa sẽ từng bước cấp phát rộng nhưng phải được xét duyệt thận trọng để tránh ảnh hưởng chung cho cộng đồng doanh nghiệp đang hoạt động chân chính. Chính phủ Việt Nam đang đẩy nhanh đàm phán ký FTA với các nước Philippines, Thái Lan… để tăng lợi thế kép cho hàng hóa của doanh nghiệp trong nước. Bộ Công thương cũng sẽ tăng cường tổ chức các cuộc giao thương, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước tiếp xúc, tìm hiểu và ký kết hợp tác với nhau. Riêng tại thị trường nội địa, thông qua hệ thống phân phối của doanh nghiệp Hàn Quốc, triển khai nhiều chương trình hỗ trợ hàng Việt cải thiện mẫu mã bao bì, thiết kế và chất lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chí tham gia vào chuỗi cung ứng Hàn Quốc tại Việt Nam cũng như hệ thống phân phối của Hàn Quốc trên thế giới.