Áp đảo trên quầy kệ
Ghi nhận tại một số hội chợ hàng tiêu dùng ở TPHCM cũng như thông tin từ các siêu thị, trung tâm thương mại cho thấy, không chỉ khách hàng bình dân mua hàng Việt, mà rất nhiều khách có điều kiện cũng “săn” hàng nội địa. Thống kê của hệ thống siêu thị Co.opmart, hàng Việt tại đây chiếm vị trí áp đảo so với hàng ngoại nhập, trong đó hàng thực phẩm các loại chiếm trên 95%. Hàng ngàn đặc sản khắp vùng miền lên kệ siêu thị như dừa Bến Tre, hạt điều Bình Phước, miến dong Bắc Kạn…
Theo ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc Vận hành hoạt động Co.opmart, hàng Việt ngày càng đa dạng về mẫu mã, chất lượng. Nhiều mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm, nông sản có lợi thế sản xuất tại địa phương với nhiều chương trình ưu đãi nên người dân dễ lựa chọn. Còn theo bà Trần Kim Nga, Giám đốc đối ngoại MM Mega Market Việt Nam, tỷ lệ hàng Việt tại hệ thống chiếm trên 90%, nhiều nhất là các mặt hàng thực phẩm tươi sống, chế biến sẵn, quần áo thời trang, giày dép… Thông tin từ các chợ đầu mối trên địa bàn TPHCM, lượng hàng hóa ngoại nhập về chợ không nhiều, chiếm chưa tới 10%, còn lại là hàng hóa trong nước.
Góp phần làm cho hàng Việt ngày càng “chất” phải kể đến khá nhiều thương hiệu đang làm tốt việc xuất khẩu hàng hóa, đồng thời tìm cách đưa hàng vào các kênh bán lẻ nội địa phục vụ khách hàng. Meet More Coffee là một trong số đó khi không còn xa lạ với các thị trường châu Âu, Mỹ, Australia. Một số sản phẩm của thương hiệu này cũng có mặt tại quầy kệ siêu thị Việt Nam. Ông Nguyễn Ngọc Luận, người sáng lập, Giám đốc điều hành Meet More Coffee, thông tin, đơn vị đã tung ra thị trường một số sản phẩm như cà phê muối, cà phê không say, yến ngũ vị… phục vụ nhu cầu tiêu dùng đa dạng của khách hàng. Tương tự, Bình Tây Foods với các thương hiệu như mì chay lá bồ đề, mì ki-wi, lẩu nấm… được người tiêu dùng trong nước đón nhận.
Hành trình xây dựng chỗ đứng vững chắc
Số liệu từ Cục Thống kê TPHCM cho thấy, 2 tháng đầu năm 2024, kinh tế TPHCM tiếp tục đà phục hồi, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 14,8%… Điều này cho thấy những tín hiệu khởi sắc của nền kinh tế TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung.
Mặc dù doanh nghiệp có nhiều nỗ lực, nhưng đánh giá chung từ các siêu thị, việc xây dựng chỗ đứng vững chắc cho hàng Việt vẫn là hành trình dài. Đại diện Tập đoàn Central Retail chia sẻ, hệ thống đã từng đặt hàng một số hợp tác xã khu vực ĐBSCL cung ứng số lượng đặc sản ổn định nhưng bị từ chối vì lo sợ sản lượng phập phù. Do vậy, Central Retail cho rằng, muốn người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận hàng tốt thì doanh nghiệp phải nỗ lực nhiều hơn.
Chia sẻ với PV Báo SGGP, giám đốc một doanh nghiệp thực phẩm cho biết, sản phẩm công ty chinh phục thị trường hơn 10 năm và đã có mặt tại một số siêu thị. “Chúng tôi đang tính toán đến việc tăng cường livestream bán hàng, song song quảng bá ở một vài siêu thị nhằm tối ưu chi phí”, vị giám đốc này chia sẻ. Một lãnh đạo doanh nghiệp khác tiết lộ, để có gian hàng nhỏ trong siêu thị, đơn vị phải chi nhiều khoản không tên, mức chiết khấu cao từ 15%-25%, chạy các chương trình giảm giá ưu đãi do siêu thị đề ra từ 10%-50% (tùy đợt), công nợ để lâu từ 45-60 ngày…
Ngoài ra, có thực tế sản phẩm càng bán chạy nguy cơ bị làm giả càng cao. Ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thời trang Nón Sơn, cho hay, đã theo dõi phiên livestream bán hàng nón Sơn giả mạo với lượng khách chốt tới 500 nón sau hơn 1 giờ. Người bán dùng nón thật làm mẫu, nhưng giao hàng giả cho khách. “Chúng tôi cùng cơ quan chức năng đã nhiều lần thực nghiệm độ chịu lực giữa nón thật với nón giả khi thả quả cầu trọng lượng 5-7kg rơi xuống nón ở độ cao 2m. Kết quả, nón thật có độ đàn hồi tốt hơn, vẫn chắc chắn sau thử nghiệm, còn nón giả bị bể nát. Do vậy, nếu mua trúng hàng dỏm khách hàng sẽ chịu rủi ro lớn”, ông Nguyễn Ngọc Tý nói.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, khuyến nghị, các siêu thị, trung tâm thương mại tiếp tục có chính sách ưu đãi, đồng hành cùng doanh nghiệp, người tiêu dùng; mục tiêu hướng đến sự phát triển bền vững (chứ không phải cạnh tranh bất chấp bằng cách giảm giá thành - PV)… Ngoài ra, ở góc độ người tiêu dùng, cần chủ động bảo vệ bản thân, gia đình bằng việc mua hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chủ động tẩy chay sản phẩm trôi nổi. Rõ ràng, mục tiêu đưa hàng Việt chiếm lĩnh thị trường, trở thành động lực phát triển của nền kinh tế là rất cần thiết. Thế nhưng, theo các chuyên gia kinh tế, yếu tố con người cực kỳ quan trọng, mà cụ thể là “nhạc trưởng” đầu ngành phải dám làm, vì doanh nghiệp. “Chính sách nhất quán, hạn chế vẽ ra thủ tục rườm rà cũng là giúp doanh nghiệp”, chuyên gia kinh tế Vũ Kim Hạnh cho hay.