Những bước đi lạc quan
Thái Lan vốn được biết đến là một thị trường khá tương đồng với Việt Nam, song lại là một thị trường rất cạnh tranh bởi DN nước này đã có kinh nghiệm xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên không vì thế mà sản phẩm hàng Việt không tìm được chỗ đứng ở thị trường này. Trở về sau Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan 2019 diễn ra gần đây, không ít DN đã tỏ ra phấn khởi khi hàng hóa của mình được người tiêu dùng nước này đón nhận tích cực.
Theo bà Bùi Phương Mai, Chủ tịch HĐQT Công ty VIFON, từ nhu cầu của người tiêu dùng hạn chế sử dụng dần các sản phẩm có chiên dầu mỡ sang sản phẩm như bún phở sản xuất từ gạo, đã tạo động lực lớn thúc đẩy ngành sản xuất bún, miến, phở của Việt Nam tăng trưởng mạnh. Thị trường Thái Lan cũng tương tự như vậy, nên từ đầu năm nay, VIFON đã hợp tác với một kênh phân phối của Thái Lan để đưa phở ăn liền - một hương vị đặc trưng thuần Việt xuất khẩu qua Thái. Kết quả ban đầu khá khả quan khi sản phẩm đã có mặt trên các quầy kệ của chuỗi siêu thị Tops và mỗi ngày có gần 200 sản phẩm được bán ra tại một cửa hàng.
Không chỉ thực phẩm chế biến khô, hạt điều cũng là một trong những sản phẩm Việt được người Thái ưa chuộng. Ông Nguyễn Huỳnh Phú Lâm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hạt điều Hải Bình, chia sẻ DN đã xuất đơn hàng đầu tiên qua hệ thống siêu thị của Central Group tại Thái Lan. Ban đầu chỉ hơn một tấn hàng, nhưng với ông Lâm, số lượng không quan trọng mà điều đáng mừng là sản phẩm của Hải Bình đã xuất hiện trên đất Thái Lan, tiếp cận được người tiêu dùng Thái.
Phát huy thế mạnh cầu nối
Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), để thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt, bộ này đã xây dựng đề án “Thúc đẩy DN Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến 2020”. Tới nay sau 3 năm thực hiện đề án, nhờ trợ giúp của kênh phân phối hiện đại mà hàng Việt đã từng bước vươn mình ra các thị trường như Singapore, Nhật Bản, Pháp… Hiện Vụ Thị trường trong nước vẫn đang tích cực phối hợp với các kênh phân phối để giúp DN cải thiện chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường nhằm gia tăng xuất khẩu hàng Việt.
Theo đánh giá của NTUC FairPrice, quan hệ hợp tác giữa FairPrice và Saigon Co.op đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhờ đó, sản phẩm Việt Nam xuất sang Singapore đã tăng 76% (tính từ năm 2010-2017). Nhiều người dân Singapore “phải lòng” hàng Việt vì giá rất cạnh tranh, chất lượng cũng ngày càng được cải thiện. |
Chỉ tính riêng tại thị trường Singapore, hiện Saigon Co.op đã đưa gần 700 mặt hàng đến với người dân quốc đảo qua đối tác NTUC FairPrice. Theo thống kê, bình quân mỗi năm, Saigon Co.op xuất khẩu hơn 200 container hàng hóa gồm cá basa phi lê, tôm, khoai lang, dưa lưới, bưởi da xanh, dừa, các mặt hàng thực phẩm công nghệ, chất tẩy rửa… với doanh thu khoảng 6 triệu USD. Ngoài gần 700 mặt hàng đã có mặt ở thị trường Singapore mấy năm nay, năm 2018, Saigon Co.op cung ứng cho FairPrice đưa hơn 20 mặt hàng mới của Việt Nam vào hệ thống bán lẻ, trong đó có những mặt hàng mang tính đột phá như tôm, cá, sữa, bánh tráng, phở, bún organic.
Đặc biệt, 3 loại trái cây là hồng xiêm, bưởi Năm Roi, thanh long ruột đỏ của Việt Nam đã được giới thiệu đến người tiêu dùng, góp phần quảng bá trái cây Việt Nam đến những thị trường có yêu cầu cao như Singapore.
Có thể nói, hàng Việt ngày càng phổ biến ở Thái Lan, Singapore hay Nhật Bản… đều nhờ sự “trợ giúp” của các kênh phân phối hiện đại. Chính các kênh phân phối này đã phát huy thế mạnh của mình để trở thành cầu nối đưa các sản phẩm hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng thế giới.