Hàng Việt bay xa

50 năm xây dựng thương hiệu, phát triển, hàng Việt Nam đến với người tiêu dùng toàn cầu là hành trình hết sức gian nan. Điều đáng mừng, hàng Việt ngày càng bay xa trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và cạnh tranh quyết liệt.

Đóng gói sản phẩm tại Doanh nghiệp xanh - Công ty CP Dược phẩm OPC. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Đóng gói sản phẩm tại Doanh nghiệp xanh - Công ty CP Dược phẩm OPC. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Những thương hiệu đã nửa thế kỷ

Dù bận rộn trong những ngày cuối năm 2024 nhưng nói về chuyện làm ăn, bà Phạm Thị Xuân Hương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm OPC, chia sẻ ngay: Năm 2024 là năm có nhiều biến động về kinh tế trên thế giới, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp, nhất là tại Đông Âu, vốn là thị trường xuất khẩu truyền thống của công ty, nhưng đáng mừng là doanh thu của đơn vị đã vượt mục tiêu đề ra.

Bà Xuân Hương hào hứng kể về sản phẩm “Dầu dân tộc mang thương hiệu Cao Sao Vàng” hay còn gọi là “Dầu cù là hiệu Cao Sao Vàng”. Sản phẩm này là niềm tự hào Việt Nam, đã tồn tại từ trước những năm 1975 và được giữ vững đến hôm nay. Chỉ có khác là thị phần không dừng lại thị trường nội địa mà xuất khẩu toàn cầu, nhiều nhất là thị trường Đông Âu. Dược liệu này phù hợp để dùng thời tiết lạnh nên được nhiều người tiêu dùng các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đông Âu… yêu thích.

Tại Công ty cổ phần Mỹ Phẩm Sài Gòn (SCC), chúng tôi được thưởng thức hương nước hoa nồng nàn ngay khi bước vào cửa nhà máy sản xuất. Bà Nguyễn Kim Thoa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị SCC, chia sẻ, tiền thân công ty thành lập từ năm 1975, trải qua hơn 50 năm phát triển, công ty đã chế tạo ra hàng trăm loại nước hoa với những hương thơm khác nhau, phân loại theo dòng cao cấp hoặc tầm trung. Tuy nhiên, sản phẩm tự hào nhất của SCC chính là Miss Saigon Elegance. Bộ sưu tập này nổi bật với thiết kế chai hình cô gái mặc áo dài đội nón lá, mang đậm nét văn hóa Việt Nam. Đây cũng là dòng sản phẩm được chứng nhận Thương hiệu Quốc gia. Gần đây nhất, bằng những nông sản, dược phẩm của vùng đồng bằng sông Cửu Long, SCC chế tạo ra dòng sản phẩm nước hoa đặc trưng vùng sông nước này với tên gọi Notes of Mekong.

Không dừng lại đó, năm 2024, nhiều dòng sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam đã rạng danh trên thị trường quốc tế. Điển hình như Vinamilk, Nước tương Con mèo đen, Gạo 3 cô gái, Gạo ST25, Bún ngũ cốc Mr Rice nhiều lần được các tổ chức thương mại trên toàn cầu ghi nhận là những sản phẩm của xu hướng, độc đáo, mang bản sắc rất riêng của Việt Nam. Những thị trường khó tính bậc nhất trên toàn cầu như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Halal… đều đã chứng kiến sự hiện diện ngày càng nhiều và mạnh mẽ của hàng Việt mang thương hiệu và bản sắc Việt.

Hàng Việt có mặt muôn nơi

Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam đứng thứ 23 trong số 30 nền kinh tế xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới, với kim ngạch xuất - nhập khẩu đạt 800 tỷ USD, vươn lên vị trí là một trong 20 quốc gia dẫn đầu thế giới về quy mô thương mại quốc tế, chiếm 2,5% tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu toàn cầu. Lần đầu tiên Việt Nam đạt cột mốc này, nền kinh tế đã khẳng vị thế quan trọng trong thương mại quốc tế. Trong đó, sản phẩm “Made in Viet Nam” không chỉ đến từ việc gia công mà còn xuất phát từ đất, nước, sông, hồ… của Việt Nam. Chính sự đóng góp mạnh mẽ từ ngành nông nghiệp, hàng hóa của chúng ta gần như có mặt trên “bàn ăn” toàn cầu.

Không chỉ là chất lượng sản phẩm, ở góc độ khác, báo cáo “Vietnam 100 2024” của Brand Finance cho thấy, những năm qua các doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong xây dựng và phát triển thương hiệu. Năm 2024, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đã ghi nhận đạt 507 tỷ USD, xếp hạng 32/193 quốc gia, tăng 2% về giá trị và tăng một bậc so với năm 2023. “Thương hiệu chính là cái giá mà đối tác, khách hàng, người tiêu dùng sẵn sàng trả thêm cho sản phẩm. Việt Nam có nhiều tiềm năng trong xây dựng và phát triển thương hiệu ở cả thị trường nội địa và nước ngoài bởi sản phẩm rộng, có tính đặc thù và chất lượng cao. Đặc biệt, nhiều sản phẩm còn có tính đặc trưng vùng miền, như sản phẩm OCOP. Vấn đề quan trọng là mỗi doanh nghiệp cần ý thức rõ và đầu tư phù hợp cho chất lượng và thương hiệu sản phẩm của mình. Có như vậy sản phẩm Việt mới có chỗ đứng vững chắc trên thị trường toàn cầu cả về số lượng và giá trị”, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh, phân tích.

Tin cùng chuyên mục