Hajj là một bổn phận tôn giáo mà mọi người Hồi giáo phải thực hiện một lần trong đời. Cuộc hành hương lớn nhất thế giới này diễn ra trong 5 ngày, bắt đầu từ ngày thứ 8 đến thứ 12 của tháng Dhu al-Hijjah, tháng thứ 12 và là tháng cuối cùng theo lịch Hồi giáo.
Sau khi cầu nguyện và đi bộ 7 vòng ngược chiều kim đồng hồ quanh Kaaba ở Mecca ngày 30-8, người hành hương tới khu vực núi Arafat vào ngày 31-8, nơi nhà tiên tri Muhammad đã thuyết giảng lần cuối cùng. Từ núi Arafat, người hành hương đi đến khu vực Muzdalifa, nhặt những viên sỏi dọc đường để thực hiện nghi thức ném đá ma quỷ tại thung lũng Mina trong 3 ngày lễ hội Eid-al-Adha.
Nhà chức trách Saudi Arabia cho biết, người hành hương lớn tuổi nhất năm nay là cụ bà Ibu Mariah Marghani Muhammad, 104 tuổi, người Indonesia, cùng hơn 220.000 người hành hương từ quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới này.
Nhiều năm qua, Chính phủ Saudi Arabia đã chi hàng tỷ USD để cải thiện sự an toàn của Hajj, đặc biệt ở Mina, nơi đã xảy ra một số sự cố chết người, trong đó có vụ giẫm đạp năm 2015 làm hơn 2.400 người chết.
Theo AP, trong cuộc họp báo ngày 29-8, phát ngôn viên Bộ Nội vụ Saudi Arabia Mansour al-Turki cho biết, lực lượng an ninh hơn 100.000 người đã được triển khai trong và quanh Mecca để bảo vệ Hajj và hỗ trợ người hành hương, có thể lên đến 2 triệu người, kể cả từ Saudi Arabia.
Giới chức y tế Saudi Arabia cho biết sẵn sàng xử lý mọi tình huống với hơn 100 xe cứu thương đã được triển khai khắp các địa điểm Hajj.