Theo bà Liên, hiện nay, nhiều hội viên của hiệp hội đã tham gia vào chuỗi cung ứng (gia công) cho một số nhà bán lẻ ở nước ngoài. Sau khi tạo độ tin cậy, chỉ 3-4 tháng sau, đối tác lại quay lại mua hàng tiếp. Thế nhưng, mặt hàng hồ tiêu Việt Nam vẫn chưa thể tiếp cận được các đối tác, kênh phân phối lớn - chẳng hạn như hệ thống siêu thị Walmart của Hoa Kỳ.
Hệ thống siêu thị Walmart của Hoa Kỳ. Ảnh: THE TIMES |
Sức tiêu thụ của thị trường Hoa Kỳ là rất lớn, mong muốn của các doanh nghiệp hồ tiêu Việt Nam là tiếp cận được các nhà nhập khẩu lớn, nhưng chủ yếu làm việc qua email nên vào mục “spam” rất nhiều, bạn hàng không chú ý. Đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đề nghị tham tán thương mại kết nối, hỗ trợ để tiếp cận các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ.
Về vấn đề này, ông Charles Mordret, chuyên gia thực phẩm chế biến và nguyên liệu tự nhiên, Chương trình Xúc tiến nhập khẩu Thụy Sỹ (SIPPO) khuyến cáo, chỉ gửi email là không đủ, cần phải biết người nhận là ai và phải chú ý tinh chỉnh nội dung trong các email để đối tác tin tưởng thông tin của mình; đồng thời cũng cần phải kiên nhẫn, nhiều khi 4 đến 7 email gửi đi mới có 1 lần thành công. Bên cạnh email, các doanh nghiệp cũng cần khai thác tối ưu các mạng xã hội để tiếp cận bạn hàng.
Tuy nhiên, tại cuộc tọa đàm này, Bộ Công thương cho biết thông tin, trung tuần tháng 9 sắp tới, Bộ Công thương sẽ tổ chức một sự kiện kết nối lớn nhất từ trước đến nay, mang tên: “Vietnam International Sourcing 2023” (kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế).
Các chuyên gia tham gia cuộc tọa đàm chiều 11-8 do Bộ Công thương tổ chức |
Chuỗi sự kiện này sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Sài Gòn (SECC), TPHCM từ ngày 13 đến 15-9, với mục đích thúc đẩy kết nối các kênh phân phối, các nhà nhập khẩu nước ngoài với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam, nhằm hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Tại cuộc tọa đàm, ông Trần Ngọc Quân, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ và ông Trần Minh Thắng, Trưởng chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại San Fancisco (Hoa Kỳ) đều cho biết, nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng nông thủy sản, thực phẩm chế biến và hàng may mặc, da giày của các nhà nhập khẩu, kênh phân phối quốc tế là rất lớn.
Bộ Công thương cùng các chuyên gia, các nhà nhập khẩu tin tưởng rằng, sự kiện “Vietnam International Sourcing 2023” sắp tới là “cơ hội vàng” để các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu Việt Nam được gặp trực tiếp các nhà nhập khẩu, đại diện các kênh phân phối lớn của thế giới, để chào bán sản phẩm của mình.
Thông tin của Bộ Công thương, có khoảng 200 đoàn quốc tế từ 30 quốc gia, vùng lãnh thổ sẽ đến sự kiện lớn chưa từng có này, để thu mua, tìm bạn hàng, đối tác, đơn hàng. Bộ Công thương cùng các địa phương sẽ đưa các đoàn thu mua quốc tế về trực tiếp khảo sát doanh nghiệp sản xuất tại các địa phương.
Phía Bộ Công thương cho biết, sự kiện này được tổ chức trong bối cảnh những năm gần đây, Việt Nam đã và đang chuyển mình thành một trung tâm sản xuất lớn của toàn cầu với khả năng cung ứng cho thị trường thế giới nhiều mặt hàng, có thể cạnh tranh về giá và chất lượng. Đồng thời, nhiều tập đoàn, kênh bán lẻ, bán buôn cũng đang chủ trương đa dạng nguồn hàng, đảm bảo nguồn cung bền vững và đã lựa chọn Việt Nam là địa chỉ chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của họ.
Vì vậy, sự kiện năm nay đã thu hút sự tham gia với số lượng lớn chưa từng có của các tập đoàn lớn trên thế giới, như: Aeon, Uniqlo (Nhật Bản); Walmart, Amazon, Boeing, AES (Hoa Kỳ); Carrefour, Decathlon (Pháp); Central Group (Thái Lan); Coppel (Mexico)…
Các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp trong và quốc tế tham gia tọa đàm qua hình thức trực tiếp và trực tuyến, chiều 11-8. Ảnh: VĂN PHÚC |
Tham gia cuộc tọa đàm chiều 11-8 qua kênh trực tuyến, ông Christian Merizalde Aguilar, Phụ trách chiến lược kinh doanh, Công ty Grupo Merica Foods (Tây Ban Nha) cho biết, doanh nghiệp này muốn gặp gỡ các doanh nghiệp của Việt Nam tại sự kiện sắp tới ở TPHCM, để thu mua khoảng 110 container thực phẩm chế biến (nước dừa, trái cây, nha đam) và nhiều mặt hàng khác nữa của Việt Nam trong năm 2023.
Ông Christian Merizalde cho biết, những sản phẩm đó, công ty này đã từng nhập khẩu của Thái Lan, nhưng sẽ chuyển sang thu mua của Việt Nam vì mức giá cạnh tranh hơn của Thái Lan. Trước đó, vào năm 2022, công ty này đã mua thử 54 container các sản phẩm khác nhau của Việt Nam để tái xuất đến các nước ở châu Âu.
“Lúc đầu, nhiều khách hàng ở châu Âu còn chưa biết nhiều về các sản phẩm Việt Nam, nhưng nay đã biết nhiều hơn”, ông Christian Merizalde chia sẻ và đánh giá: “Chất lượng các sản phẩm của Việt Nam đã được chuẩn hóa sau nhiều năm tham gia vào chuỗi cung ứng, tôi rất hài lòng”.
Để giúp các doanh nghiệp Việt Nam chủ động nắm bắt cơ hội, đón đầu làn sóng chuyển dịch thu mua hàng hóa của các nhà nhập khẩu quốc tế trong thời gian tới, ông Trần Ngọc Quân, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ cho biết, xu hướng chung của các nhà nhập khẩu tại châu Âu, dù là thực phẩm chế biến, nông thủy sản hay hàng may mặc, da giày… thì đều ngày càng hướng đến các tiêu chuẩn của châu Âu, như các chương trình xanh hóa, sản phẩm thân thiện môi trường, giảm phát thải; tăng cường trách nhiệm xã hội, trách nhiệm môi trường…
“Điều này đã tác động tới xu hướng thu mua của các nhà nhập khẩu. Họ không còn đơn thuần đi mua hàng như trước, mà còn bắt đầu đồng hành với doanh nghiệp sản xuất để tạo một chuỗi, đáp ứng các tiêu chuẩn của EU, đảm bảo có một chuỗi sản xuất và cung ứng bền vững”, ông Quân nói.