* Tại Quảng Trị, ngày 14-11, Thượng tá Nguyễn Duy Thoại – Chính trị viên Đồn Biên phòng Cồn Cỏ (Biên phòng Quảng Trị) cho biết, hiện gần 200 người dân và các lực lượng trên đảo Cồn Cỏ đã được di tản xuống hầm trú bão.
Dự kiến, quân và dân sẽ ở lại trong hầm trú bão đêm nay, vào ngày mai thì căn cứ vào tình hình thời tiết để tính toán thời gian rời hầm. Trước khi đưa người dân vào hầm trú bão, lương thực thực phẩm đã được chuẩn bị đầy đủ.
“Bão lớn nên phần lớn quân và dân pải xuống hầm để tránh. Một số cán bộ ở các đơn vị được cắt cử ở lại đơn vị để làm nhiệm vụ, đảm bảo an ninh trật tự” Thượng tá Thoại cho hay.
Được biết, các cơn bão trước, quân dân trên đảo Cồn Cỏ thường di tản vào trú bão ở các trụ sở cơ quan kiên cố. Tuy nhiên, bão số 13 dự báo sẽ rất mạnh, để đảm bảo an toàn, các lực lượng trên đảo thống nhất sử dụng hầm trú bão.
Video người dân cùng lực lượng chức năng trên đảo Cồn Cỏ di chuyển vào hầm để tránh trú bão
Tính đến nay tỉnh Quảng Trị đã triển khai sơ tán 12.234 hộ dân với 35.421 người, trong đó có 265 hộ dân với 1.149 người (ở huyện Hướng Hóa) sơ tán đến các địa điểm tập trung để phòng tránh sạt lở đất và cả phòng tránh bão.
* Lúc 15 giờ 45 phút ngày 14-11, tại Ban Chỉ huy tiền phương TP Đà Nẵng ứng phó với cơn bão số 13 (Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng), trả lời phỏng vấn, ông Lê Văn Tuyến, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCTT& TKCN TP Đà Nẵng cho biết, các quận ven biển đã tính tới kịch bản nước biển dâng và sóng ven biển do bão khi tổ chức công tác sơ tán người dân sống tại khu vực ven biển để bảo đảm an toàn, có phương án đảm bảo hậu cần tại chỗ trong trường hợp người dân phải ở lại dài ngày. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng tuyệt đối không để người ở lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thuỷ sản, trên tàu, thuyền neo đậu, trong các lán trại công trình đang xây dựng. Lực lượng chức năng tổ chức lực lượng canh gác, chốt chặn tại các khu vực ngập sâu, ngầm, cầu tràn qua suối khi có nước chảy xiết.
Tính đến 15 giờ ngày 14-11, Đà Nẵng đã di dời thực tế khoảng 12.885 hộ, gần 44.400 nhân khẩu đến nơi an toàn. Đến giờ này vẫn chưa có báo cáo thiệt hại về người
Đến 19 giờ 30, theo nguồn tin của PV, tại cửa vịnh Đà Nẵng đã ghi nhận được gió giật 30m/s (tương đương cấp 10). Gió bắt đầu mạnh, trên các tuyến đường trên TP Đà Nẵng đã hầu như vắng bóng người qua lại, chỉ một số người có việc gấp mới ra đường vào lúc này.
Để ứng phó bão số 13 sắp đổ bộ, ngay từ trưa TP.Đà Nẵng đã thực hiện phong tỏa cầu Thuận Phước nghiêm cấm người và phương tiện lưu thông qua cầu để đảm bảo an toàn. Tối cùng ngày, cầu Sông Hàn cũng đã được phong tỏa.
Sở GTVT TP Đà Nẵng đã triển khai lực lượng chốt chặn, thực hiện rào chắn tại các cây cầu bắc qua sông Hàn để kịp thời cảnh báo theo các tình huống kịch bản thiên tai, đặc biệt tại các cầu lớn như: Thuận Phước, Sông Hàn, cầu Rồng, Trần Thị Lý…
Lực lượng thuộc Đội quản lý cầu thuộc Công ty quản lý cầu đường Đà Nẵng (Sở GTVT TP.Đà Nẵng) cùng sự hỗ trợ của Cảnh sát giao thông (Công an TP.Đà Nẵng) thực hiện chốt trực giám sát không cho phương tiện lưu thông qua cầu.
* Quảng Ngãi
Ông Đặng Tấn Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn cho biết, huyện đã tiến hành đi dời hơn 280 hộ gần 1.000 nhân khẩu đến các nơi tránh trú kiên cố.
Ông Đỗ Thiết Khiêm, Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho biết, địa phương đã yêu cầu người dân chủ động di dời xen ghép đến các nhà kiên cố để tránh trú bão số 13.
Ông Phạm Cầu, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hải, cho biết: “Các hộ dân ven biển yêu cầu di dời xen ghép khoảng 70 hộ, 150 nhân khẩu, những hộ dân ven biển, nhà ở không kiên cố hoặc chưa sửa chữa sau ảnh hưởng bão số 9, mưa lũ liên tiếp phải di dời hoàn toàn”.
Biển động dữ dội tại vùng biển xã Bình Hải (huyện Bình Sơn). Clip: NGUYỄN TRANG
*Liên quan đến tàu vận tải Gia Bảo 268 bị nạn ở vùng biển Quảng Ngãi có nguy cơ tràn dầu. Ngày 14-11, ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi cho biết đã phối hợp với chủ tàu vận tải Gia Bảo 268 đưa khoảng 10 tấn dầu DO chứa trong tàu đang mắc cạn tại vùng nước cảng biển Dung Quất thuộc thôn Sơn Trà, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, lên bờ tránh nguy cơ tràn dầu khi bão số 13 đổ bộ. Việc đưa 10 tấn dầu DO lên bờ được thực hiện bằng cách bơm, hút toàn bộ dầu.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 12 vừa qua, tàu vận tải Gia Bảo 268 có trọng tải 2.800 tấn, Công ty cổ phần xây dựng và vận tải Gia Bảo do ông Nguyễn Văn Tuấn (trú tỉnh Nam Định) làm thuyền trưởng. Ngày 7-11, thuyền trưởng tàu Gia Bảo cùng 8 thuyền viên vận chuyển 2.700 tấn đá vôi đi từ Nam Định đến cảng Dung Quất.
Sau khi bốc dỡ hàng hóa, thuyền trưởng cho tàu neo đậu tại vùng nước cảng biển Dung Quất. Đến khoảng 23 giờ ngày 9-11, tàu bị sóng đánh đứt neo, trôi dạt và va vào gành đá thuộc thôn Sơn Trà, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi làm thủng hầm hàng.
Ông Nguyễn Văn Dân, Phó Bí thư Đảng ủy xã Phú Thuận cho biết, những cụ già, phụ nữ và trẻ em được xe máy của chính quyền địa phương và lực lượng xung kích đến chở đi di dời. Các hộ dân di dời hầu hết đến các nhà cao tầng kiên cố, các nhà công cộng. Các nhóm tình nguyện của địa phương đang nấu cơm, chia sẻ với người chạy bão.
"Hiện các địa điểm đón nhận người dân di dời tránh bão đã chuẩn bị sẵn sàng đón bà con, chúng tôi cũng bố trí đồ ăn thức uống cùng chăn mền và dân quân hỗ trợ theo phương châm 4 tại chỗ để đảm bảo an toàn tuyệt đối", ông Dần cho biết, người già và trẻ em được di tản trước 12 giờ trưa 14-11, thanh niên, người lớn đến sau. Kiên quyết không để ai lại nhà, có thể cưỡng chế nếu người dân không chịu hợp tác.
Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đến 15 giờ chiều 14-11, các địa phương đã hoàn tất công tác di dời với 71.000 người dân đến nơi trú ẩn an toàn. Học sinh, sinh viên và hầu hết người dân tuân thủ lệnh yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh không ra khỏi nhà từ trưa 14-11 cho đến khi có thông báo mới.
BĐBP điều động 296 CBCS/12 phương tiện ô tô, trưng dụng 6 xuồng của người dân phối hợp chính quyền và các lực lượng di dời tại chỗ và đưa đến các vị trí đảm bảo an toàn được: 4.096 hộ/ 15.549 đến nơi an toàn. Đồng thời bắn pháo hiệu, kêu toàn bộ tàu thuyền trên địa bàn tỉnh gồm 2.062 tàu với 11.350 lao động vào nơi neo đậu an toàn. Hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm, xăng dầu và các nhu yếu phẩm phân bổ về các địa phương để kịp thời chi viện cho người dân vùng ngập lụt, chia cắt…
* Tại tỉnh Quảng Bình, toàn bộ 6.564 phương tiện tàu cá, 19 tàu vận tải trên địa bàn đã vào vị trí neo đậu an toàn.
Địa phương này đã thống kê sơ bộ có 107 điểm với 4.019 hộ/14.767 khẩu nằm trong vùng sạt lở. Số lượng đã di dời 108 hộ/438 khẩu và tiếp tục di dời số còn lại. Di dời khỏi các khu vực xung yếu 20.290 hộ/76.069 người.
Cùng ngày, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình đã tăng cường 100% quân số trực chiến, lên phương án chi tiết để hướng về các vùng trọng điểm nhằm giúp nhân dân sẵn sàng đối phó với bão 13.
Theo kiểm kê, toàn bộ 6.564 tàu cá của ngư dân trong địa bàn tỉnh Quảng Bình và 147 tàu cá của ngư dân ngoại tỉnh đã vào khu neo đậu an toàn tại các khu vực Cảng Hòn La, Cảng Gianh, Âu thuyền Nhật Lệ.
BĐBP tỉnh Quảng Bình khẩn trương điều động 100% quân số tại cơ quan Bộ chỉ huy triển khai lực lượng, phương tiện phối hợp chính quyền địa phương và các lực lượng hỗ trợ nhân dân trên địa bàn chằng chống nhà cửa, sắp xếp tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn.
Tại tuyến biên giới, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ BĐBP dùng các phương tiện loa truyền thanh tích cực tuyên truyền cho bà con diễn biến của bão 13, vận động đồng bào đến các vị trí cao tránh sạt lở khi mưa bão xảy ra.
Đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy BDBP tỉnh Quảng Bình cho biết: “BĐBP Quảng Bình xác định tư tưởng, sẵn sàng nhận nhiệm vụ sát cánh cùng nhân dân ứng phó thiên tai, với quyết tâm cao nhất, hạn chế rủi ro về thiệt hại do bão, dù khó khăn đến mấy thì tính mạng và tài sản của nhân dân luôn được đặt lên hàng đầu”.
Tại bản Sắt (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh) ông Trần Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã có mặt trực tiếp chỉ huy di tản toàn bộ 43 hộ, 164 khẩu ra khỏi khu vực thung lũng Sắt đến khu vực trung tâm xã Trường Sơn trú bão nhằm tránh lở núi nguy hiểm.