Cây cối thiếu nước trầm trọng
Theo ghi nhận, những ngày qua, tuyến kênh dài khoảng 100m dẫn nước từ sông Thu Bồn vào trạm bơm Cù Bàn tại thôn Bàn Nam (xã Duy Châu) cạn trơ đáy do bị bồi lấp. Không có nước, trạm bơm cũng phải dừng hoạt động không thể phục vụ tưới nước trong thời gian sinh trưởng quyết định của mùa vụ. Điều này khiến người dân hết sức lo lắng khi mà lúa đang vào thời điểm sinh trưởng, quyết định đến mùa vụ.
Dòng kênh dẫn nước vào trạm bơm Cù Bàn khô cạn nước nhiều ngày qua. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG |
Bà Huỳnh Thị Bốn (73 tuổi, trú thôn Bàn Nam, xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên) cho biết, do kênh dẫn nước bị bồi lấp nên nước không vào được trạm bơm nên không có nước tưới. Việc này ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của người dân, việc lúa, màu thiếu nước dễ dẫn đến tình trạng mất trắng. Các hộ dân ở đây mong muốn chính quyền các cấp nạo vét mương để trạm bơm có nước phục vụ canh tác.
Người dân tại đây cho rằng, mọi năm vụ Đông - Xuân là vụ thuận lợi để trồng lúa và hoa màu như đậu phộng. Thời điểm này quyết định cho sự sinh trưởng tốt của cây lúa khi đến mùa “đẻ” nhánh, chuẩn bị lên đòng. Tuy nhiên, việc thiếu nước thường xuyên khiến hàng trăm hộ dân làm nông nghiệp nơi đây đứng ngồi không yên. Nhiều hộ đã cùng nhau làm đơn kiến nghị chính quyền có phương án khẩn cấp nạo vét kênh mương dẫn nước "cứu lúa".
Lòng kênh dẫn nước vào trạm bơm hiện nay còn cao hơn mực nước sông tầm 20-30cm. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG |
Ông Đặng Đình Sanh, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Bàn Nam cho biết: "Thôn Bàn Nam có 635 hộ dân với gần 2.500 nhân khẩu chủ yếu sống nhờ đồng ruộng. Năm nay thời tiết khó khăn, lúa đang phát triển làm đòng nhưng không có nước, toàn bộ bị đốt cháy hết, rất chi khó khăn cho đời sống nhân dân. Tôi thay mặt cho bà con kiến nghị với cấp trên tạo điều kiện để nạo vét kênh mương để có nước tưới lúa".
“Nếu vụ Đông – Xuân này không làm được thì vụ Hè – Thu sắp tới cũng không thể nào giải quyết được nguồn nước tưới. Mỗi lần lấy nước là phải rất tiết kiệm, khổ lắm. Vừa rồi thôn có làm đơn kiến nghị, có chữ ký người dân để gửi lên xã, xã gửi lên huyện rồi tỉnh để được quan tâm. Nếu chính quyền không vào cuộc thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cánh đồng lúa của dân”, ông Đặng Đình Sanh nói thêm.
Mong nạo vét dòng chảy quy mô lớn
Hơn 90ha đất nông nghiệp của xã Duy Châu trong đó có 40ha ruộng lúa phụ thuộc hoàn toàn nước tưới tiêu của trạm bơm Cù Bàn. Qua mỗi mùa lũ lụt thì đường kênh dẫn nước vào trạm bơm bị bồi lấp. Mỗi năm vào 2 vụ lúa, chính quyền địa phương phải chi cả trăm triệu đồng để nạo vét kênh dẫn nước cứu lúa. Nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời.
Một ruộng bắp người dân vừa trồng nhưng thiếu nước dẫn đến sinh trưởng kém. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG |
Ông Nguyễn Dũng, Chủ tịch UBND xã Duy Châu (huyện Duy Xuyên) cho biết, qua phản ánh người dân, địa phương cũng làm các văn bản gửi huyện và các ngành có liên quan để có giải pháp tốt nhất cho vụ Đông – Xuân này. Hàng năm, xã có phương án nạo vét tạm thời nên hiện nay kênh đã khô nước. Sắp tới, xã cũng đề nghị huyện có giải pháp mang tính ổn định lâu dài là khơi thông dòng chảy ở quy mô lớn hơn.
Chính quyền địa phương mong muốn được nạo vét kênh dẫn nước lớn hơn để sử dụng được lâu dài. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG |
Trong năm 2021, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam qua kiểm tra thực tế đã cho huyện Duy Xuyên có chủ trương nạo vét dòng chảy của kênh dẫn vào trạm bơm Cù Bàn một cách bền vững, quy mô lớn. Dự án đã hoàn thiện hồ sơ, có đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, khi triển khai thi công có một số hộ dân tại địa phương không sản xuất nông nghiệp đưa ra một số lý do để cản trở việc nạo vét kênh do đó việc thi công bị dừng lại.
Theo UBND huyện Duy Xuyên, với tình trạng hiện tại thì không có nước tưới. Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân khi cây lúa thiếu nước trong thời gian sinh trưởng, dẫn đến mất mùa. Huyện mong muốn UBND tỉnh Quảng Nam cũng như các sở, ban, ngành tiếp tục quan tâm, cho phép huyện Duy Xuyên khơi thông dòng chảy. Cùng với đó, phần diện tích bên xã Đại Hòa thì UBND tỉnh cũng chỉ đạo cho huyện Đại Lộc, xã Đại Hòa khởi thông bởi vì chỉ trong phạm vi huyện Duy Xuyên thì cũng không có nước phục vụ trồng trọt kịp thời.