Trong ngày 13-1, Phòng NN-PTNT huyện A Lưới đã có báo cáo gửi UBND huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) về việc rét đậm, rét hại từ giữa tháng 12-2020 đến nay đã làm chết tới 909 con gia súc, gồm 62 con trâu, 469 con bò và 378 con dê).
Nguyên nhân là do thời tiết rét đậm, rét hại, có ngày xuống 6-7°C, trong khi bà con có tập quán chăn thả rông gia súc, cộng thêm tình trạng thiếu thức ăn dự trữ làm cho gia súc chết nhiều...
Trong khi đó cùng ngày 13-1, Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế lại có Công văn số 56 báo cáo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế về số lượng gia súc chết rét chỉ có 461 con.
Nội dung công văn cụ thể như sau: “Qua nắm nhanh tình hình thiệt hại chăn nuôi do rét đậm, rét hại từ các huyện, thị xã và thành phố Huế, tính đến ngày 13-1, trên địa bàn toàn tỉnh chỉ có huyện A Lưới bị chết 461 con gia súc do rét (trong đó có 19 con trâu, 17 con nghé, 167 con bò, 105 con bê và 153 con dê), các địa phương khác báo chưa có vật nuôi chết rét”.
Công văn do Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế ký nêu nguyên nhân: “Một số nơi tại huyện A Lưới nhiệt độ xuống thấp dưới 10°C; hầu hết số gia súc bị chết do thả rong trong rừng chưa lùa về kịp nên chết trong rừng phải gánh về (có nhiều hộ có tập quán thả rong trâu, bò trong rừng không lùa về được)”.
Sau khi nhận được thông tin báo cáo 909 con gia súc bị chết rét của huyện A Lưới, cùng ngày 13-1, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai do Phó Trưởng ban Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai ký, khẳng định đây là số lượng thiệt hại rất lớn trong khi tỉnh Thừa Thiên - Huế không nằm trong khu vực trọng điểm rét đậm, rét hại và còn lớn hơn tổng thiệt hại của các tỉnh ở miền núi phía Bắc (trung tâm của đợt rét đậm, rét hại vừa qua).
Vì vậy, Ban Chỉ đạo Trung ương đề nghị tỉnh Thừa Thiên - Huế thành lập các đoàn công tác có sự giám sát của cơ quan chuyên môn để “đánh giá hiện trạng” và tìm nguyên nhân khiến trâu bò, gia súc chết nhiều như vậy.