Hàng trăm đại biểu quốc tế hội tụ bàn giải pháp gắn kết giữa các hợp tác xã

Tại hội thảo khu vực của Liên minh Hợp tác xã quốc tế 2024, hàng trăm đại biểu quốc tế đến từ Singapore, Nhật Bản, Ấn Độ, Indonesia, Philippines… đã cùng nhau trao đổi và bàn giải pháp gắn kết thông qua mạng lưới giao thương, tiêu dùng.

Mô hình hợp tác xã ngày càng đóng góp vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế
Mô hình hợp tác xã ngày càng đóng góp vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế

Hội thảo khu vực của Liên minh Hợp tác xã quốc tế 2024 với chủ đề “Quan hệ hợp tác giữa các hợp tác xã: Gắn kết thông qua mạng lưới giao thương và tiêu dùng” đã diễn ra ngày 21-5.

Sự kiện do Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) phối hợp với Ủy ban Tiêu dùng và Ủy ban Kinh doanh mậu dịch đăng cai tổ chức lần thứ 3 với hàng trăm đại biểu quốc tế đến từ Singapore, Nhật Bản, Ấn Độ, Indonesia, Iran, Malaysia, Myanmar, Sri Lanka, Philippines, Hàn Quốc và Việt Nam.

Theo ông Vũ Anh Khoa, Chủ tịch HĐTV Saigon Co.op, Saigon Co.op với tư cách là một đơn vị kinh tế tập thể, hợp tác xã có quy mô lớn nhất Việt Nam, nhận thức đầy đủ trách nhiệm trong việc cùng tổ chức Liên minh Hợp tác xã quốc tế để thúc đẩy phong trào kinh tế tập thể ở Việt Nam và khu vực.

b1452b645835f86ba124.jpg

Trên thực tế, tại Việt Nam, kinh tế hợp tác xã được hình thành, hoạt động từ lâu, tuy nhiên, bước ngoặt đánh dấu sự phát triển của loại hình kinh tế này gắn với sự đổi mới, hội nhập, kinh tế thị trường khi Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18-3-2002, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vừa đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế (theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đóng góp gần 4% GDP), vừa đóng góp gián tiếp thông qua tác động tới kinh tế hộ thành viên, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế cá thể, hộ gia đình (hiện đang chiếm khoảng 30% GDP cả nước). Ở nhiều địa phương, nhiều hợp tác xã đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn phục vụ chế biến, xuất khẩu.

Hiện tại, Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả. Vì vậy, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã cũng phải phát triển theo hướng tự lực, tự cường gắn với tăng cường liên kết giữa các thành viên, giữa khu vực kinh tế tập thể với các khu vực kinh tế khác và mở rộng hợp tác quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả.

Chính vì vậy, theo ông Vũ Anh Khoa, hội thảo khu vực của Liên minh Hợp tác xã quốc tế 2024 là cơ hội lớn để Saigon Co.op gặp và trao đổi các sáng kiến với các hợp tác xã trong và ngoài nước, là điều kiện thể hiện trách nhiệm xã hội và trách nhiệm hỗ trợ phát triển phong trào hợp tác xã quốc tế; góp phần đưa hàng Việt Nam, hàng hóa của các nước bạn có cơ hội giao thương trên cơ sở hợp tác giữa các hợp tác xã, thúc đẩy các hợp tác xã cùng lớn mạnh.

Tại hội thảo này, các đại biểu tham dự của mỗi quốc gia đã giới thiệu về mô hình các hợp tác xã mà họ đang hoạt động, đồng thời có những trao đổi, thảo luận làm rõ quan hệ hợp tác giữa các hợp tác xã, trong đó cụ thể là việc phải làm sao để gắn kết thông qua mạng lưới giao thương và tiêu dùng.

3ea4ddcc8a992ac77388.jpg

Liên quan đến thị trường bán lẻ Việt Nam cũng như mô hình hoạt động của Saigon Co.op, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op- cho biết: Ngành bán lẻ đang đóng góp 35% vào GDP Việt Nam nhưng tăng trưởng bán lẻ hiện nay vẫn đến từ kênh truyền thống. Điều này cho thấy còn nhiều dư địa cho bán lẻ hiện đại. “Việt Nam đã có 16 năm liên tục tăng trưởng của thị trường bán lẻ và các hợp tác xã hãy tận dụng giai đoạn này để chiếm thị phần. Về phía Saigon Co.op rất sẵn sàng hợp tác với các hợp tác xã khu vực châu Á Thái Bình Dương lẫn quốc tế để hỗ trợ kinh tế hợp tác xã ngày càng phát triển” - ông Đức khẳng định.

Tin cùng chuyên mục