Theo số liệu tổng hợp và đánh giá thì có thể khẳng định, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu có thể đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong năm 2020.
Về mặt hàng lương thực, ước tính sản lượng lúa năm 2020 có thể đạt 43,3 triệu tấn (tương đương 26 triệu tấn gạo), trong khi nhu cầu tiêu dùng trong nước chỉ khoảng 19-20 triệu tấn, như vậy vẫn dư thừa cho xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn. Về mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, tổng sản lượng thịt hơi các loại dự kiến thực hiện năm 2020 ước đạt 5,5-5,8 triệu tấn các loại, tăng khoảng 10% so với năm 2019. Trong đó, thịt heo hơi ước đạt 3,5 triệu tấn; thịt gia cầm 1,36 triệu tấn; thịt trâu, bò khoảng 0,48 triệu tấn. Bộ Công thương đánh giá, với lượng tổng cung các loại thịt như vậy là đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của 100 triệu dân, chưa kể đến nguồn cung các mặt hàng thủy hải sản đạt khoảng 8,2 triệu tấn mỗi năm.
Về mặt hàng rau quả, tổng sản xuất các loại rau củ quả đạt khoảng 40-50 triệu tấn, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu. Về mặt hàng đường, sản xuất trong nước năm 2020 đạt khoảng 1 triệu tấn đường (công suất của các nhà máy có thể đạt 1,5 triệu tấn). Về thuốc chữa bệnh, ước tính năm 2020, trị giá thuốc sản xuất trong nước ước đạt 2,9 tỷ USD, trị giá thuốc nhập khẩu ước đạt 4,35 tỷ USD, trị giá thuốc xuất khẩu ước đạt 165 triệu USD. Như vậy, kế hoạch nguồn cung sản xuất và nhập khẩu thuốc đáp ứng đủ nhu cầu thuốc năm 2020.
Về xuất khẩu lương thực, Bộ NN-PTNT sẽ tích cực cùng các bộ, ngành khác chuẩn bị thật tốt mọi điều kiện để khi dịch Covid-19 giảm xuống, tận dụng cơ hội xuất khẩu nông sản đi các nước nhằm phát triển thị trường bền vững, tránh phụ thuộc vào một thị trường. Hàng năm, kho dự trữ gạo quốc gia vẫn luôn duy trì từ 200.000-300.000 tấn gạo, nếu nơi nào xảy ra thiên tai, dịch bệnh cần hỗ trợ sẽ sử dụng số gạo này.