Lý giải vấn đề này, Bộ Thương mại Thái Lan cho biết, thương mại song phương năm 2018 đạt 18,7 tỷ USD. Lũy kế đầu tư trực tiếp của Thái Lan vào Việt Nam đến nay cũng đã vượt 10,4 tỷ USD, xếp Thái Lan vào nhóm 10 nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Những con số này dự kiến sẽ tăng lên, sau khi diễn ra cuộc họp nội các chung Thái Lan - Việt Nam lần thứ 4 vừa qua. Các lãnh đạo đã tái khẳng định cam kết của cả 2 nước trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác tăng cường vì hòa bình và thịnh vượng. Ngoài ra, cả 2 bên đã nhất trí đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 20 tỷ đô la Mỹ vào năm 2020, tập trung vào việc thúc đẩy đầu tư và thông thoáng thương mại.
Hiện có 8 lĩnh vực mà doanh nghiệp Thái Lan tập trung đẩy mạnh đầu tư và phát triển thị trường tại Việt Nam là: thực phẩm và đồ uống; đồ gia dụng và sản phẩm gia dụng; mỹ phẩm, trang điểm; chăm sóc sức khỏe; may mặc thời trang và trang sức; phụ tùng ô tô, xe máy; sản phẩm trẻ em; dịch vụ, du lịch giáo dục và nhà hàng.
Nhiều doanh nghiệp Thái Lan cho biết, trước đó vào năm 2017 và 2018, nhiều mặt hàng tiêu dùng của Thái Lan cũng đã được du nhập vào thị trường Việt Nam và đã đón nhận những tín hiệu hết sức tích cực từ phía người tiêu dùng Việt. Đáng kể nhất là mặt hàng giày dép, quần áo, hàng gia dụng, nội thất… Nhìn chung, chất lượng hàng Thái Lan là khá tốt và giá thành khá phù hợp với đa số người tiêu dùng Việt. Tuy nhiên, về hình thức và kiểu dáng, người tiêu dùng Việt có xu hướng chọn hình thức, màu sắc và hoa văn đơn giản hơn so với người tiêu dùng Thái Lan. Do vậy, các doanh nghiệp cũng đang có sự điều chỉnh về vấn đề này để tiếp cận nhanh và rộng hơn nữa với người tiêu dùng tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới.