Tấp nập mua sắm
Cúc vàng, cúc mâm xôi đa sắc, quất kiểng, bưởi kiểng… đua nhau đổ về các quận, huyện, TP Thủ Đức, sẵn sàng để nhà nhà trang trí tết. Từ khoảng 20 tháng Chạp, các chuyến xe hoa kiểng rộn ràng “cập bến” Công viên Gia Định (quận Gò Vấp), Công viên 23-9 (quận 1), đường Thành Thái (quận 10)… Lượng khách tìm mua hoa kiểng tăng dần vào buổi chiều và tối. Chị Nguyễn Thảo bán cúc đại đóa tại Công viên Gia Định cho biết, đã nhập hàng trăm chậu cúc kiểng từ Ninh Hòa (Khánh Hòa). Giá cúc tầm trung từ 2,3-2,6 triệu đồng/cặp; cỡ đại từ 9-10 triệu đồng/cặp… Giá bán năm nay thấp hơn năm ngoái từ 100.000-200.000 đồng/cặp.
Dọc đường Quang Trung (quận Gò Vấp), Mai Chí Thọ (TP Thủ Đức)..., các loại quất kiểng, bưởi Hưng Yên khá thu hút khách. “Trái nhiều, màu vàng tươi tượng trưng cho sự phú quý, sung túc. Mức giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng một cây bưởi; 1,5-3,5 triệu đồng/cây quất”, anh Ngô Nam, nhân viên bán hoa kiểng trên đường Mai Chí Thọ, cho hay. Khu vực chợ Ông Tạ, đoạn đường Cách Mạng Tháng Tám - Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) khá nhộn nhịp.
Đây là một khu chợ độc đáo với rất nhiều loại lá phục vụ gói bánh tết. Lá được đưa về từ Đồng Nai, Hóc Môn... Bó lá dong 100 lá có giá từ 130.000-170.000 đồng tùy loại lớn hoặc nhỏ, chất lượng lá; lá chuối giá từ 20.000-30.000 đồng/kg; khuôn bánh chưng khoảng 30.000-50.000 đồng/cái… Một số tiểu thương chuyên kinh doanh hàng khô, mứt tết, bánh kẹo tại chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), chợ Hòa Hưng (quận 10), chợ Bình Tây (quận 6)… chia sẻ, sức mua đang tăng dần, không khí tết đã rõ nét hơn so với vài tuần trước.
Thời điểm này, hàng hóa thiết yếu, thực phẩm tiêu dùng tết tại một số chợ lẻ, điểm bán tự phát trên địa bàn quận 10, quận Gò Vấp, quận 12, huyện Hóc Môn… bắt đầu rục rịch tăng giá. Ví dụ, trên đường Dương Thị Mười, phường Tân Thới Hiệp 6 (quận 12), gạo thơm, dẻo loại thường có giá khoảng 24.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg so với vài tuần trước.
Khách mua các túi gạo từ 5-10kg, sẽ phải trả thêm từ 10.000-20.000 đồng/túi. Trái cây tươi, thịt heo… cũng tương tự. Một số điểm bán lẻ thịt heo trên đường Nguyễn Ảnh Thủ (huyện Hóc Môn); Lê Quang Định (quận Gò Vấp) đang bán ở mức 165.000-170.000 đồng/kg sườn non, tăng từ 5.000 - 7.000 đồng/kg so với ngày thường… Trái cây tươi cũng tăng từ 3.000-5.000 đồng/kg tùy loại.
Trong khi đó, sát ngày cúng ông Công ông Táo (23 tháng Chạp) các siêu thị như GO!, MM Mega Market đã chuẩn bị sẵn sàng trái cây tươi, đồ cúng tăng đáng kể, riêng các đơn hàng online tăng từ 20%-50% so với ngày thường. Saigon Co.op cũng cho biết, những đơn hàng sắm tết online tăng 50% và được siêu thị xử lý, giao hàng ngay trong ngày. Hệ thống Co.opmart, Co.opXtra đang triển khai chương trình “Mâm cỗ gia tiên” với nhiều cải tiến, khá đa dạng, gồm cỗ mặn, mâm cỗ chay, mâm cỗ sơ chế.
Nỗ lực bình ổn giá
Càng gần tết sức mua càng khởi sắc. Nhằm kích thích người tiêu dùng mua hàng, nhiều công ty đã giảm giá mạnh. Thông tin từ Công ty Chăn nuôi và Chế biến thực phẩm Sài Gòn (Sagrifood), doanh nghiệp giảm giá từ 10%-25% các loại thịt heo thảo mộc, áp dụng tại hệ thống siêu thị Emart từ nay đến hết ngày 30 tháng Chạp. Công ty Vissan cũng có chương trình hỗ trợ người dân mua sắm tết muộn, từ 6 đến 9-2, với mức giá giảm từ 10%-30%… Hay như hệ thống Saigon Co.op đã đưa ra thị trường hơn 2.000 sản phẩm tết với mức khuyến mãi “đậm” từ nay đến 30 tháng Chạp…
Ông Nguyễn Bình Phương, Giám đốc Kinh doanh chợ đầu mối nông sản Thủ Đức thông tin thêm, lượng hàng cung ứng tết của các nhà vườn tăng nhẹ so với năm trước, đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân. Dự kiến trong những ngày cao điểm từ 4 đến 7-2 (ngày 25 đến 28 tháng Chạp), lượng hàng nhập chợ tăng dần, trong đó lượng rau từ 1.800 - 2.500 tấn/ngày, trái cây từ 2.200 - 2.500 tấn/ngày, hoa tươi từ 200-400 tấn/ngày. Theo đó, từ ngày 25 tháng Chạp, khoảng 3.000 tấn hàng về chợ (tăng khoảng 20%), ngày 26 tháng Chạp khoảng 3.500 tấn, cao điểm 27 và 28 tháng Chạp khoảng 4.500 tấn hàng về chợ, tăng khoảng 80% so với ngày thường…
Về phía chợ đầu mối Hóc Môn, ông Lê Văn Tiển, Giám đốc chợ cho hay, từ ngày 4 đến 9-2 (nhằm 25-30 tháng Chạp), lượng hàng tăng từ 30%-50% so với bình thường. Riêng thịt heo, tối 8-2 (ngày 29 tháng Chạp), lượng hàng sẽ tăng gần 100%. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM cũng chuẩn bị hơn 22.000 tỷ đồng hàng hóa, trong đó hơn 8.500 tỷ đồng hàng bình ổn thị trường, nhằm cung ứng giá tốt nhất cho người mua.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cam kết phối hợp cùng các lực lượng liên ngành chức năng, các quận, huyện, TP Thủ Đức theo dõi sát diễn biến giá cả; thực hiện nghiêm quy định niêm yết giá, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm; kiên quyết không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, “sốt giá”, gây mất cân đối cung cầu…