“Hàng rào” ta đâu?

“Cuộc chiến thương mại” Mỹ - Trung đang lăm le bùng nổ để bảo vệ sản phẩm hàng hóa của nhau, có nguy cơ ảnh hưởng đến toàn cầu.
 Và mới đây Trung Quốc lại dựng thêm hàng rào thương mại đối với sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam khi xuất sang nước họ, cho thấy những “hàng rào kỹ thuật” đang được dựng lên khá nhiều ở các quốc gia nhập khẩu. Theo Bộ Công thương, kể từ 1-4-2018, một số loại trái cây của Việt Nam như sầu riêng, chuối, xoài, nhãn, thanh long… (trước đó là gạo, thịt heo, thủy sản…) xuất sang Trung Quốc phải có thông tin truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, tên hoặc mã số nhà xưởng đóng gói sản phẩm bằng tiếng Anh hoặc tiếng Trung… khiến nhiều sản phẩm nước ta khó lòng xâm nhập vào thị trường đông dân này, nhất là những nông hộ và doanh nghiệp sản xuất nhỏ lẻ, dẫn tới hệ quả sẽ có thêm nhiều đợt “giải cứu” sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm trong nước. Trong khi đó, sản phẩm cùng loại của Trung Quốc không nguồn gốc, xuất xứ lại tự do bán buôn, bán lẻ trên khắp nẻo đường Việt Nam. 

Cũng mới đây, khi thời tiết diễn biến bất thường, thị trường phía Bắc nước ta đã tràn ngập kem được quảng cáo “hàng nội địa Trung Quốc”. Sản phẩm giải nhiệt này có giá bán lẻ 3.000 đồng/cây với đủ mùi vị, bao bì đóng gói bắt mắt và in toàn tiếng Trung, có nguy cơ sẽ đẩy nhiều cơ sở sản xuất kem ở miền Bắc “tan chảy” trong mùa hè tới! Chưa kể, hiện nhiều sản phẩm khác cũng được thương lái giới thiệu “hàng nội địa Trung Quốc” bày bán đầy trên thị trường nước ta, nhưng thực chất là hàng giả, hàng nhái thương hiệu để đánh lừa người tiêu dùng.
Không chỉ doanh nghiệp trong nước lao đao, nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam cũng “bó tay” trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái linh kiện của họ. Chủ một cửa hàng head của Honda Việt Nam than rằng, ngoài linh kiện của các doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng để tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm lắp ráp tại Việt Nam đạt chất lượng theo yêu cầu của chính hãng, thì ngoài thị trường đầy rẫy hàng giả thương hiệu với giá bán chênh lệch cả triệu đồng. Chẳng hạn như bộ chế hòa khí (bình xăng con) hiệu Keihin, hãng nhập về Việt Nam để lắp ráp có giá từ 1,1 - 2 triệu đồng/bộ (tùy loại xe), nhưng dân buôn từ quốc gia láng giềng tuồn sản phẩm nhái thương hiệu về chào hàng tại các chợ đầu mối linh kiện xe máy và tiệm sửa xe với giá chỉ 70.000 - 170.000 đồng/bộ. Vì đa số khách hàng không phân biệt được sản phẩm thật hay giả nên khi thay bình xăng con thường bị chủ tiệm sửa xe “hét” bằng giá hàng chính hãng, hoặc nơi có “tâm” thì lấy giá từ 200.000 - 300.000 đồng/bộ, nhưng hàng nhái này có rất nhiều khuyết điểm khi sử dụng, nhất là hao xăng. Việc này cũng khiến các doanh nghiệp ngành cơ khí làm ăn chân chính trong nước điêu đứng. Giám đốc kinh doanh một doanh nghiệp cơ khí hoạt động lâu năm tại quận 8, TPHCM, bức xúc việc hàng giả thương hiệu ngoại rồi tới giả thương hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao” đã đẩy nhiều cơ sở cơ khí vào tình thế sản xuất đình đốn vì không cạnh tranh lại mặt bằng giá với hàng giả, hàng nhái… 

Việc dựng lên “hàng rào kỹ thuật”, về lâu dài, sẽ cùng có lợi cho cả hai bên xuất và nhập khẩu. Vậy trước tình hình trên, “hàng rào” của ta đâu để bảo vệ doanh nghiệp nội địa trong nước trong cuộc chiến thương mại không cân sức và bảo vệ người tiêu dùng Việt về tính an toàn của hàng hóa, thực phẩm? Có ý kiến cho rằng, sở dĩ nước ta chưa mạnh dạn xây dựng hàng rào phòng vệ thương mại vì còn kém nội lực; chúng ta chưa hoàn thiện được các khâu kỹ thuật trong kiểm soát chất lượng sản phẩm từ sản xuất, nuôi trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản… Nhưng với mức độ cơ giới hóa và áp dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất như hiện nay, nhiều sản phẩm tương tự của nước ta đã đạt chuẩn “chất lượng cao”, vậy nên chăng, Việt Nam cũng cần nhanh chóng rà soát và thiết lập hàng rào kỹ thuật thương mại để trước hết bảo vệ người tiêu dùng trong nước và đảm bảo sân chơi minh bạch, công bằng cho các doanh nghiệp trên sân nhà. 

Tin cùng chuyên mục