Hàng rào có cũng như không
Tuyến đường sắt chạy qua địa phận TPHCM dài khoảng 14km, đi qua các quận 3, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh và TP Thủ Đức. Để đảm bảo an toàn đối với đường sắt trong lòng đô thị, năm 2006, hệ thống hàng rào bảo vệ dọc 2 bên đường sắt được đầu tư xây dựng. Hàng rào làm bằng bê tông cốt thép, sau nhiều năm, việc duy tu, nâng cấp sửa chữa không được chú trọng đúng mức nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Hầu hết tuyến hàng rào bảo vệ đã rệu rã, trong đó nghiêm trọng nhất là những đoạn hàng rào đi qua địa bàn phường Linh Đông, Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức), phường 13 (quận Bình Thạnh)…
Ghi nhận tại cung đường sắt đi qua địa bàn phường Linh Đông (TP Thủ Đức), chúng tôi thấy có hơn 10 điểm hàng rào không còn nguyên vẹn. Tại điểm giao đường số 30, một đoạn hàng rào dài 40-50m đã bị tháo dỡ từng đoạn. Hàng rào ngăn cách đường số 30 nhưng nay không còn nữa nên tiềm ẩn nguy hiểm, dễ xảy ra tai nạn.
Cách điểm giao đường số 30 không xa, một đoạn hàng rào đã bị tháo dỡ cả hai bên, hình thành đường ngang tự phát nối khu dân cư đi ra đường Phạm Văn Đồng. Đoạn này đường không thẳng, tầm nhìn bị hạn chế nên nguy cơ mất an toàn càng lớn khi người dân băng ngang sang đường. Chúng tôi hỏi những người vừa băng qua đường sắt, nhiều người trả lời rất vô tư: “Đi lối mở này ra đường Phạm Văn Đồng cho tiện vì gần hơn đến mấy trăm mét. Tàu hỏa có đến thì đã nghe tiếng ầm ầm, tiếng còi từ xa rồi”.
Tuyến đường sắt đi qua địa phận phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức), hệ thống hàng rào bảo vệ cũng trong tình trạng bị hư hỏng khá nặng. Cứ vài trăm mét lại có một đoạn hàng rào bị trống. Mặc dù đoạn đi qua phường Hiệp Bình Chánh có đến 3 vị trí cắt ngang, có nhân viên đường sắt trực chốt nhưng nhiều người dân vẫn theo lối mở đi vào đường sắt. Nhiều vụ tai nạn chết người đã xảy ra trên đoạn đường này.
Ông Nguyễn Quang Trung, trực chốt dân phòng tại điểm chùa Ưu Đàm, cho biết, tai nạn xảy ra chủ yếu là do người dân băng ngang đi vào đường sắt. Ở đoạn đường này, tuyến đường sắt chạy song song với đường Phạm Văn Đồng, xe cộ đông đúc tạo tiếng ồn lớn, khó nghe được tiếng tàu hỏa nên dễ gây tai nạn. Với tình trạng hàng rào bảo vệ bị hư hỏng, nhiều đoạn bỏ trống như hiện nay, nhiều người dân chủ quan đi vào đường sắt thì nguy cơ xảy ra tai nạn càng lớn.
Hàng rào dọc tuyến đường sắt qua địa phận quận Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận… chất lượng có khá hơn, nhưng nhiều điểm đã bị tháo bỏ, người dân qua lại dễ dàng. Tuyến đường này nằm lọt thỏm, nhà cao tầng hai bên che khuất tầm nhìn cùng tiếng ồn của xe máy đô thị nên khá nguy hiểm nếu người dân băng ngang đường sắt. Tai nạn giao thông đường sắt đang rình rập nhiều người thiếu ý thức, sơ ý khi vượt hàng rào bảo vệ trong khi công tác sửa chữa, nâng cấp chưa được quan tâm đúng mức.
Sớm bố trí kinh phí nâng cấp, tu sửa
Hệ thống hàng rào bảo vệ đường sắt được UBND TPHCM đầu tư kinh phí xây dựng từ năm 2006, đến nay đã gần 20 năm. Sau nhiều năm khai thác, công tác duy tu, nâng cấp chưa được chú trọng nên hệ thống hàng rào đã xuống cấp, hư hỏng nặng, nhiều đoạn không còn khả năng bảo vệ an toàn.
Để đảm bảo an toàn cho người dân, tháng 8-2023, UBND TPHCM đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT bố trí kinh phí cho ngành đường sắt đầu tư nâng cấp, tu sửa hệ thống kết cấu hạ tầng, hàng rào bảo vệ nhằm bảo đảm an toàn chạy tàu và mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, đến thời điểm này, kiến nghị của UBND TPHCM vẫn chưa được đáp ứng, trong khi hệ thống hàng rào bảo vệ ngày càng xuống cấp nghiêm trọng.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hồng (Đoàn Luật sư TPHCM), Chính phủ đã có Nghị định 56/2018 (quy định về quản lý, bảo vệ hạ tầng đường sắt) đã giao trách nhiệm cụ thể cho các bộ ngành liên quan như Bộ GTVT, Bộ Công an, Bộ Tài Chính, Bộ TN-MT… và chính quyền địa phương các cấp, từ tỉnh thành đến quận huyện, phường xã nơi có đường sắt đi qua.
Trong đó, Bộ GTVT có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp tỉnh và các bộ, ngành liên quan tuyên truyền, phổ biến, giáo dục; thực hiện các quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt và chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức trong việc quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt theo quy định của pháp luật.
Cũng như các tỉnh thành, TPHCM có trách nhiệm bố trí ngân sách địa phương để quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt đô thị theo quy định pháp luật. Mặc dù nghị định đã quy định cụ thể nhưng thực tế chưa có sự phối hợp kịp thời trong việc đầu tư kinh phí nâng cấp, tu bổ hệ thống hạ tầng, hàng rào bảo vệ an toàn đường sắt dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc”.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thanh Loan, Chủ tịch UBND phường Linh Đông (TP Thủ Đức) cho biết, theo quy định, cấp phường trực tiếp quản lý, bảo vệ, thực hiện các biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi lấn chiếm đất hành lang an toàn đường sắt. Phường thường xuyên tổ chức kiểm tra, phát hiện điểm hư hỏng và kiến nghị ngành đường sắt đầu tư sửa chữa. Trong khi chờ nâng cấp hệ thống hàng rào bảo vệ đường sắt, phường tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở người dân nâng cao ý thức chấp hành quy định, không băng ngang đường sắt để đảm bảo an toàn, hạn chế tai nạn xảy ra.