Đua nhau tràn ra đường
Từ khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực, bộ mặt đô thị tại TPHCM có nhiều chuyển biến tích cực. Các quận, huyện đồng loạt ra quân xử lý tình trạng chiếm dụng vỉahè, lòng đường để buôn bán, giữ xe…đã giúp đường thông hè thoáng hơn. Ở trung tâm TPHCM, quận 1 mạnh dạn“cắt” một phần diện tích công viên làm điểm bán hàng tập trung, nhằm xóa bỏ dứt điểm tình trạng các gánh hàng rong bán dạo làm phiền du khách.
Thế nhưng, thành quả lập lại trật tự lòng lề đường của thành phố đang đứng trước nguy cơ đổ xuống sông, bởi trên nhiều tuyến đường, nhất là ở khu vực trung tâm thành phố, đã tái diễn tình trạng người dân lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm điểm bán hàng, dựng xe máy… Vỉa hè, lòng đường bị chiếm dụng không những làm mất mỹ quan đô thị mà còn ảnh hưởng đến việc lưu thông, đi lại của người dân, du khách.
Ghi nhận tại một số tuyến đường xung quanh chợ Bến Thành (phường Bến Thành, quận 1) cho thấy hầu hết vỉa hè bị lấn chiếm, sử dụng không đúng công năng. Vỉa hè đã bị lạm dụng để biến thành nhiều điểm giữ xe. Nhiều người bày bán hàng ăn, trái cây… trên vỉa hè, thậm chí lấn ra lòng đường. Vỉa hè đường Thủ Khoa Huân (đoạn gần giao với đường Lê Thánh Tôn) biến thành điểm đậu xe máy, bán hàng rong nên người đi bộ phải đi xuống lòng đường, rất không an toàn.
Cách chợ Bến Thành không xa, đường Nguyễn Trung Trực (đoạn tiếp giáp với đường Lê Lợi) cũng biến thành điểm bán hàng rong. Khách du lịch, người dân đi tham quan, mua sắm rất ái ngại khi đi qua các điểm này.
Sau khi cùng nhóm bạn đi tham quan trung tâm thành phố, anh Nguyễn Hữu Quốc nhận xét: “Khu vực trung tâm thành phố hiện đại, nhưng có nhiều người bán hàng rong, làm mất mỹ quan đô thị”.
Không chỉ khu vực trung tâm thành phố, vỉa hè, lòng đường của nhiều tuyến đường ở các quận 3, 5, Bình Thạnh… cũng bị chiếm dụng. Đường Nguyễn Thiện Thuật (quận 3) thường xảy ra ùn ứ khi có những xe ba bánh bán hàng rong xuất hiện. Các xe này bán trái cây, rau củ quả... nối nhau dọc theo con đường khiến nhiều đoạn đường bị tắc. Trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh đoạn từ ngã tư Hàng Xanh đến cầu Sơn (phường 25, quận Bình Thạnh) có hơn 10 điểm bán hàng lấn chiếm vỉa hè. Vào giờ cao điểm, người dân đi lại nhiều, các cửa hàng bày bán choán hết vỉa hè khiến cho việc đi lại càng khó khăn hơn.
Đừng để “ném đá ao bèo” Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt bước đầu đã mang lại thành quả tích cực, ý thức của người dân được nâng dần lên. Thế nhưng, từ đầu năm 2024 đến nay, khi TPHCM có chủ trương kẻ đường, thu phí sử dụng vỉa hè, đã có nhiều người “té nước theo mưa”, tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để buôn bán. Bên cạnh đó, một số địa phương trong lúc chờ chủ trương mới đã buông lỏng quản lý, để xảy ra tình trạng tái chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi bán hàng, đậu xe…
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Tồn, Chủ tịch UBND phường 25 (quận Bình Thạnh), cho biết, chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức kiểm tra, nhắc nhở và xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Tại các điểm “nóng”, trước cổng trường - nơi thường tập trung nhiều học sinh, sinh viên, phường cử lực lượng chức năng túc trực, giám sát, ngăn chặn tình trạng bán hàng rong, làm mất trật tự. Tình trạng người dân bán hàng lấn chiếm vỉa hè trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh là cá biệt, mới phát sinh. Nhận được phản ánh từ Báo SGGP, phường sẽ tổ chức kiểm tra và xử lý ngay để trả lại đường thông hè thoáng cho người dân.
Theo luật gia Nguyễn Văn Khôi (Hội Luật gia Việt Nam), Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã quy định cụ thể về mức xử phạt đối với các hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Tuy nhiên, mức xử phạt hiện nay vẫn còn thấp, chưa đủ sức răn đe đối với các đối tượng vi phạm ở các tuyến đường lớn, khu vực trung tâm thành phố. Để Nghị định 100/2019/NĐ-CP phát huy hiệu quả, cùng với việc nâng cao mức phạt đối với đối tượng vi phạm, các địa phương phải thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở để nâng cao ý thức người dân.
Hành vi buôn bán lấn chiếm vỉa hè có thể bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức. Hành vi lấn chiếm, sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa... và các hoạt động khác gây cản trở giao thông có thể bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4-6 triệu đồng đối với tổ chức (theo Điều 12, Nghịđịnh 100/2019/NĐ- CP).