Nơi rôm rả, chỗ thưa thớt
Từ sáng sớm, tiệm phở 68 Hà Nội (đường Bùi Đình Túy, quận Bình Thạnh) đã bày bàn ghế, xếp giãn cách, bố trí mỗi khách ngồi một bàn. Thời điểm đầu giờ sáng, tiệm chỉ lác đác một vài khách.
Tiệm phở của chị Tiên ở đường Đỗ Xuân Hợp (phường Phước Long B, TP Thủ Đức) cũng đã phục vụ khách tại chỗ. Ngoài tuân thủ các quy định phòng chống dịch theo bộ tiêu chí của UBND TPHCM, chị Tiên còn thiết kế vách nhựa trong suốt gắn trên bàn để ngăn cách khách. Quán của chị cũng chưa đông khách.
Cách đó không xa, quán lẩu và nướng của anh Hải Anh cũng đang tất bật chuẩn bị kinh doanh trở lại. Anh Hải Anh cho biết, khi có thông tin thành phố cho phép các hàng quán được phục vụ tại chỗ, ngay trong đêm, anh và nhân viên đã lau dọn, sắp xếp lại quán, đặt thực phẩm để chuẩn bị đón khách.
Khác với quán ăn, hàng loạt quán cà phê phấn khởi phục vụ khách uống tại chỗ. Anh Võ Khắc Tịnh, chủ quán cà phê Nhím (532 Phạm Văn Đồng, phường 13, quận Bình Thạnh) háo hức: “Sau nhiều tháng tạm dừng, nay khách ngồi nhâm nhi ly cà phê trở lại, mình cũng thấy sảng khoái theo. Nhiều khách quen đã quay lại nói chuyện rôm rả, nhưng quán vẫn tuân thủ phòng chống dịch”.
Phải đảm bảo các tiêu chí phòng chống dịch
Ngoài những quán cà phê, quán ăn sáng, quán cơm, những nhà hàng, quán nhậu được thí điểm cho phục vụ bia, rượu tại quận 7, TP Thủ Đức cũng đã mở bán trở lại.
Ngay trong buổi sáng 28-10, nhiều quán nhậu trên đường Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức) đã sẵn sàng đón khách. Dù vậy, cũng còn một số chủ quán chưa vội mở cửa vì còn… nghe ngóng tình hình.
“Thành phố chỉ cho bán đến 21 giờ với 50% công suất nên cũng kẹt. Dân nhậu thường 18-19 giờ mới ra ngồi lai rai và thường ngồi 3-4 tiếng mới về. Nếu vậy, một tối chỉ phục vụ được 1 lượt khách với số bàn cắt giảm một nửa thì không còn bao nhiêu”, anh Thịnh, chủ quán nhậu trên đường Phạm Văn Đồng cho biết.
Chủ một số quán lo ngại vì chưa được cấp mã QR, còn tâm lý e sợ dịch, đồng thời, đối chiếu với 4 tiêu chí đưa ra, thì chưa thể đáp ứng một số quy định. “Quy định phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm mà giấy của quán đã hết hạn trong đợt giãn cách vừa rồi, chưa gia hạn được”, bà Nga (chủ tiệm mì quảng trên đường Lê Quang Định, phường 1, quận Gò Vấp) cho hay.
Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Nguyễn Ngọc Anh cho biết, quận đã yêu cầu các nhà hàng xây dựng phương án phòng chống dịch Covid-19. Đồng thời lập các đoàn xuống hậu kiểm, hướng dẫn phương án phòng chống dịch, nếu đơn vị nào không đảm bảo sẽ buộc ngưng hoạt động.
Còn Chủ tịch UBND quận 11 Trần Phi Long cho hay, địa phương này đã thành lập các đội kiểm tra phòng chống dịch ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, yêu cầu các phường cũng thành lập tổ kiểm tra. Lực lượng này sẽ kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình kinh doanh của các cơ sở trên địa bàn, chú trọng các yêu cầu trong tiêu chí phòng chống dịch của TPHCM.
Trong khi đó, quận 1 chủ trương sẽ phối hợp với các sở, ngành của TPHCM, đặc biệt là Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, đi kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ở quận. “Thường các cơ sở có mặt bằng nhỏ lại có số lượng người ăn uống đông, do đó quận sẽ quan tâm các sơ sở này để nhắc nhở họ thực hiện đúng bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch”, Phó Chủ tịch UBND quận 1 Nguyễn Duy An thông tin.
Ngoài kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh ăn uống tại chỗ, quận 7 và TP Thủ Đức còn là 2 địa phương được thí điểm hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống có bán, sử dụng đồ uống có cồn. Do đó, công tác kiểm tra, giám sát của các địa phương này cũng được triển khai chặt chẽ hơn.
Theo Phó Bí thư Thường trực Quận ủy quận 7 Trần Chí Dũng, hiện các tổ công tác của quận đang bám sát các tiêu chí trong bộ tiêu chí mà TPHCM ban hành để kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh ăn uống trên địa bàn. Hiện nay, quận chủ yếu nhắc nhở, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh thực hiện đúng các tiêu chí để đảm bảo phòng chống dịch.
Nhanh chóng cấp chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩmĐể được hoạt động, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố phải đáp ứng đầy đủ 4 tiêu chí. Trong đó có tiêu chí phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Về vấn đề này, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM cho biết, sau giãn cách, ban đã tiến hành tổ chức thẩm định trở lại những hồ sơ xin chứng nhận an toàn thực phẩm của các hàng quán, đơn vị kinh doanh trước khi có yêu cầu dừng nhận vì dịch bệnh và sẽ nhanh chóng hoàn thành trong tháng 10. Đối với các hàng quán, đơn vị nộp hồ sơ mới, hiện ban chưa được phép nhận, tuy nhiên ban đã báo cáo lên UBND TPHCM về vấn đề này và có thể trong tuần sau sẽ có chỉ đạo từ thành phố. |