Hãng phim nhà nước - nhiều trăn trở

Câu chuyện hoạt động của các hãng phim nhà nước, đặc biệt sau giai đoạn cổ phần hóa, luôn đầy trăn trở, nhất là khi đặt trong sự phát triển mạnh mẽ của các hãng phim tư nhân.
Trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam
Trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam

Gần 10 năm kể từ khi bắt đầu quá trình cổ phần hóa, tương lai của Hãng Phim truyện Việt Nam (nay là Công ty cổ phần Đầu tư Hãng Phim truyện Việt Nam) vẫn... bất định.

Việc hoàn vốn cho Tổng Công ty Vận tải thủy (VIVACO) - nhà đầu tư chiến lược từng nắm giữ 65% cổ phần cũng chưa đi đến hồi kết. Việc tìm nhà đầu tư mới chắc chắn nhiều nan giải, bởi đầu tư cho lĩnh vực điện ảnh vẫn luôn mang nhiều rủi ro.

Lại một câu chuyện khác, mới đây Công ty TNHH MTV phim Nguyễn Đình Chiểu (tiền thân là Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu) - hãng phim nhà nước thuộc quản lý của một thành phố, đang trong quá trình bàn thảo để giải thể cũng là dấu lặng buồn. Không đình đám như Hãng Phim truyện Việt Nam, nhưng Hãng Phim Nguyễn Đình Chiểu cũng từng có giai đoạn hoàng kim ở những năm 1980, sản xuất cả phim truyện và phim tài liệu. Theo thời gian, tình hình sản xuất cũng chỉ mang tính cầm chừng và tồn tại kiểu sống mòn.

Có một thực tế chung với các hãng phim nhà nước đang còn hoạt động như Công ty cổ phần Phim Giải Phóng, Công ty cổ phần Hãng Phim Hoạt hình Việt Nam, Công ty TNHH MTV Hãng Phim Tài liệu và Khoa học Trung ương… là đầy rẫy khó khăn. Câu chuyện kinh phí để duy trì hoạt động, sản xuất như thế nào, phát hành ra sao, vấn đề lưu chiểu, lưu trữ… là những bài toán chưa có lời giải thỏa đáng, khiến các hãng phim không phát huy được hết thế mạnh, vị thế như vốn có.

Từng có không ít tranh cãi xung quanh hiệu quả hoạt động của các hãng phim nhà nước, điển hình là Hãng Phim truyện Việt Nam. Nhiều dự án được cấp kinh phí lớn, lên đến vài chục tỷ đồng nhưng hoặc sản xuất xong thì bị đắp chiếu, hoặc có phát hành cũng không mang lại hiệu quả nào. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, bản thân dòng phim nhà nước có những đặc thù, nhiệm vụ riêng, không thể áp đặt câu chuyện doanh thu như các tác phẩm của điện ảnh tư nhân.

Bài toán đặt ra, trong bối cảnh lĩnh vực điện ảnh đã có chiến lược phát triển dài hơi, tầm nhìn đến năm 2030, hoạt động của các hãng phim nhà nước sẽ phải thích ứng, chuyển đổi linh hoạt như thế nào?

Sự thay đổi đầu tiên phải đến từ chính nội tại. Bản thân các hãng phim nhà nước có lợi thế lớn bởi được hỗ trợ ngân sách, đầu tư bài bản, có thể chạm đến những đề tài khó mà hãng phim tư nhân không dám mạo hiểm thực hiện. Để hiệu quả, phải có sự thay đổi đồng bộ từ tư duy đến phương thức sản xuất, xóa bỏ tư tưởng bao cấp, bao biện và chực chờ vào ngân sách. Dù sản xuất phim phục vụ nhiệm vụ, nhưng mục đích ấy chỉ được phát huy tối đa nếu nó đồng thời hấp dẫn và đến được với số đông khán giả. Tính hình thức hậu cổ phần hóa phải được thay đổi bằng hành động cụ thể. Các hãng phim nhà nước cần nhạy bén trong việc huy động thêm các nguồn lực xã hội vào quá trình sản xuất, quảng bá tác phẩm thay vì lệ thuộc ngân sách.

Hợp tác công - tư cũng có thể xem là một hướng ra mang đến nhiều hy vọng. Trên thực tế, nhiều tác phẩm điện ảnh hiện nay là kết quả của sự phối kết hợp giữa các hãng phim tư nhân. Từ trước đến nay, phim đặt hàng nghiễm nhiên thuộc về hãng phim nhà nước, hiếm có trường hợp giao cho đơn vị tư nhân.

Vậy tại sao, ngoài hình thức nhà nước góp vốn như trước đây, lại không thể áp dụng nhà nước và tư nhân cùng làm, nhất là với những dự án lớn? Điều này sẽ góp phần khai thác tối đa các nguồn lực từ nguồn vốn, nhân lực, trang thiết bị máy móc… vào quá trình sản xuất; mang đến nhiều thuận lợi về mặt đầu ra cho tác phẩm bởi sự hậu thuẫn từ nhiều phía. Quan trọng không kém nó mang đến cơ hội giao, lưu học hỏi từ chính đội ngũ những người làm nghề.

Truyền thống của các hãng phim nhà nước là điều không thể phủ nhận, nhưng sẽ tụt hậu nếu nó không có sự thay đổi mạnh mẽ. Thay đổi hay chết, bài học từ Hãng Phim truyện Việt Nam là nhãn tiền.

Tin cùng chuyên mục