Xử lý hàng chục ngàn vụ vi phạm
Cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM vừa cho biết, cách nay vài ngày lực lượng liên ngành đã bắt giữ gần 20.000 sản phẩm gồm văn phòng phẩm (bút chì màu, đồ chuốt bút chì, kim bấm…), quần áo thời trang, túi xách, bóp, ví da các loại.
Trong số này, QLTT tạm giữ trên 8.300 món hàng văn phòng phẩm không có hóa đơn chứng từ do Trung Quốc sản xuất tại một địa chỉ trên đường Nguyễn Xuân Phụng, quận 6, TPHCM.
Thử dò tìm tại một số cửa hàng tạp hóa trên trục đường song hành quốc lộ 22 (quận 12, huyện Hóc Môn), Phan Văn Trị (quận Gò Vấp), các loại bút lông, bút chì màu, màu nước… không rõ xuất xứ bày bán rất nhiều.
Mỗi sản phẩm có giá từ 15.000-23.000 đồng/hộp. Với các mặt hàng đồ chơi trẻ em như súng nhựa, búp bê, đồ nấu ăn bằng nhựa, giá bán từ 30.000-60.000 đồng/bộ sản phẩm.
Chị Nguyễn Thị Lan, một phụ huynh có con nhỏ kiêm chủ cửa hàng tạp hóa tại quận 12, trấn an người mua: “Trẻ con chóng thích, chóng chán, nên mỗi món đồ chơi vài ngày là bỏ. Mua đồ mắc tiền làm gì cho uổng. Tôi toàn bán hàng Trung Quốc, giá mềm, nhưng chẳng phụ huynh nào thắc mắc”.
Thống kê của TP cho thấy, từ đầu năm 2019 đến nay, đã kiểm tra, phát hiện trên 21.000 vụ vi phạm, trong đó phát hiện gần 19.000 vụ gian lận thương mại, 348 vụ hàng giả. Tổng số tiền xử lý vi phạm thu được nộp vào ngân sách nhà nước hơn 3.940 tỷ đồng.
Mới đây, tại hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng về đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan, thông tin, tình trạng vi phạm gian lận thương mại và hàng giả diễn ra hết sức phức tạp.
Gần đây, lực lượng hải quan và cơ quan chuyên trách đã bắt giữ, xử lý nhiều vụ vi phạm, mà điển hình đang giữ trên 10 ngàn container tại các cảng, cửa khẩu.
Đáng chú ý, các đối tượng vi phạm dùng thủ đoạn thành lập “công ty ma” chia cắt, phân đoạn các công đoạn vận chuyển qua biên giới; tập kết tại các tụ điểm để đưa hàng vào trong nước tiêu thụ.
Thậm chí chúng còn thuê các đối tượng có tiền án tiền sự để thành lập doanh nghiệp phục vụ cho việc gian lận thương mại. Khi bị phát hiện và xử lý thì những đối tượng đó chấp nhận đi tù thay cho chủ doanh nghiệp.
Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT, trong vài năm gần đây, có tình trạng doanh nghiệp lợi dụng việc nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do (nhiều mặt hàng hưởng ưu đãi thuế 0%) để gian lận xuất xứ, trốn thuế.
Một phần hàng hóa gian lận đưa vào tiêu thụ tại Việt Nam, phần còn lại xuất khẩu. Các mặt hàng vi phạm phổ biến gồm thực phẩm, rau củ quả, hàng dệt may, quần áo, giày dép, đồ chơi trẻ em, thiết bị gia dụng, điện tử, chất tẩy rửa…
Nâng cao nhận thức người dân, doanh nghiệp
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến, Trưởng Ban chỉ đạo 389 TPHCM (Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) đánh giá, TP trực thuộc trung ương, được xếp loại đô thị đặc biệt của Việt Nam nên có sự phát triển đô thị mạnh, tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, khu dân cư, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống…
Song hành với sự phát triển, thì tình hình gian lận thương mại, kinh doanh doanh hàng lậu, hàng kém chất lượng vẫn diễn biến phức tạp. Điều này tác động xấu đến nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh chân chính. Phần lớn hàng hóa nhập lậu được trữ tại các kho bãi lớn nằm xa trung tâm TP, xa khu dân cư để tránh sự chú ý của lực lượng chức năng và người dân.
Ông Trần Hữu Linh cho biết thêm, các mặt hàng nhập lậu như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, quần áo thời trang… thường được người tiêu dùng chọn mua qua mạng internet một cách dễ dàng. Nhu cầu tiêu thụ hàng hóa qua kênh này ngày càng cao và phổ biến, bởi giá cả cạnh tranh, rẻ hơn so với hàng chính ngạch.
Nắm bắt xu hướng tiêu dùng này, các đối tượng buôn lậu đã tổ chức các đường dây hàng lớn, phân phối rộng khắp, từ các cửa hàng đến những điểm bán nhỏ lẻ. Nhưng, để bắt tại trận và xử phạt các điểm kinh doanh này lại không dễ dàng, vì các quy định hiện tại còn nhiều lỗ hổng.
Đồng chí Trần Vĩnh Tuyến nhìn nhận, một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng gian lận thương mại ngày càng gia tăng chính là công tác tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân về chống hàng giả, hàng nhái… chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục, tạo chuyển biến nhận thức sâu rộng.
Thêm nữa, thủ tục thành lập doanh nghiệp hiện nay rất đơn giản, khi cơ quan chức năng phát hiện có vi phạm, tiến hành xác minh trụ sở, địa bàn của doanh nghiệp thì không có.
Còn người đại diện theo pháp luật lại là người được các đối tượng thuê, nhiều trường hợp người đại diện còn bị mất hành vi dân sự. Do vậy, việc kiểm tra, xử lý đối tượng chủ mưu gặp nhiều khó khăn, thậm chí không xử lý được đối tượng này.
Để giải quyết thực trạng trên, Cục QLTT TPHCM thông tin, trong thời gian tới đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát tình hình buôn bán, kinh doanh các mặt hàng trọng điểm.
Chẳng hạn như: hoạt động kinh doanh xăng dầu, hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ “Made in Vietnam”; giám sát các tổ chức, cá nhân hoạt động tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại, thực hiện khuyến mãi…
Đồng chí Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh: “Sẽ tăng cường công tác phối hợp hoạt động của các lực lượng chức năng trên địa bàn TPHCM; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân. Song song đó, TP cũng kiến nghị cơ quan trung ương hoàn thiện quy định pháp luật về xử phạt vi phạm đối với các vụ kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc”.