Mặt khác, việc phát triển nhãn hàng riêng nếu đặt trong mối quan hệ tương hỗ, hợp tác cùng phát triển giữa nhà phân phối và nhà sản xuất, được đánh giá là giải pháp thúc đẩy nâng cao tỷ lệ “nội địa hóa” cho hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.
Theo Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, hiện tại thị trường trong nước, các sản phẩm hàng nhãn riêng được kinh doanh phổ biến, với giá cả cạnh tranh do khi làm hàng nhãn riêng, các nhà bán lẻ tiết kiệm được chi phí chiết khấu, tiếp thị, quảng bá... Với những lợi thế này, hầu hết các nhà bán lẻ trong và ngoài nước đang hoạt động tại thị trường Việt Nam đều tích cực phát triển hàng nhãn riêng; đặc biệt, xem đây như phương thức khẳng định uy tín thương hiệu doanh nghiệp và hàng hóa đối với người tiêu dùng.
Đơn cử, chính thức triển khai hàng nhãn riêng từ năm 2007, với tiêu chí “Chất lượng và tiết kiệm”, tính đến nay hệ thống siêu thị Co.opmart đã giới thiệu ra thị trường gần 500 mặt hàng, hơn 3.000 mã hàng, chủ yếu tập trung vào nhóm hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người tiêu dùng từ thực phẩm đến đồ dùng trong gia đình. Hàng nhãn riêng Co.opmart đã và đang đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng nhờ vào chất lượng đảm bảo, giá rẻ hơn giá sản phẩm cùng loại từ 5% - 30%.
Không chỉ hàng nhãn riêng Co.opmart đang từng bước xâm nhập thị trường, còn có hàng nhãn riêng của những nhà bán lẻ khác như LOTTE Mart, Big C... cũng nỗ lực giành thị phần tại thị trường Việt Nam và hướng đến xuất khẩu.
Phân tích về xu hướng phát triển nhãn hàng riêng tại Việt Nam trong thời gian gần đây, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, cho rằng cần nhìn nhận đúng mục tiêu phát triển hàng nhãn riêng trong cạnh tranh. Trong đó, nhà bán lẻ xây dựng hàng nhãn riêng phải xác định phân khúc thị trường để có hàng hóa với mức giá chuẩn, cạnh tranh lành mạnh. Hàng nhãn riêng là yếu tố quan trọng mà các nhà bán lẻ không thể bỏ qua trong chiến lược kinh doanh. Do đó, để doanh nghiệp sản xuất có thể gia công hàng nhãn riêng cho các nhà bán lẻ, phải tạo ra mối quan hệ các bên cùng có lợi; trong đó có cả người tiêu dùng.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), cho biết hàng nhãn riêng Co.opmart được phát triển không nằm ngoài mục tiêu mang lại lợi ích cho cả 3 bên gồm: người tiêu dùng mua được sản phẩm chất lượng với giá tiết kiệm; nhà phân phối có nguồn hàng ổn định và phong phú; nhà sản xuất tận dụng tối đa hiệu quả công xuất và máy móc để sản xuất sản phẩm.
Với mục tiêu này, bắt buộc nhà sản xuất phải là doanh nghiệp nội địa, đẩy mạnh biện pháp tích cực hỗ trợ doanh nghiệp gia công quảng bá hình ảnh thông qua việc Co.opmart thể hiện rõ thông tin đơn vị sản xuất in trực tiếp trên sản phẩm. Đây cũng là hành động thiết thực của Co.opmart trong việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt phát triển, ưu tiên chọn các đối tác được xác định là nhà cung cấp chiến lược của Saigon Co.op.
Kết quả công bố của một số công ty nghiên cứu thị trường cũng chỉ ra rằng, nguyên nhân hàng nhãn riêng ngày càng được thị trường ưu chuộng do đã mở thêm cơ hội cho người tiêu dùng chọn lựa sản phẩm chất lượng với giá cả cạnh tranh. Hàng nhãn riêng được gắn với thương hiệu của các nhà bán lẻ nên có lợi tế cạnh tranh về chất lượng sản phẩm, đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng và đảm bảo năng lực của nhà sản xuất. Đặc biệt, trên bao bì hàng nhãn riêng còn thể hiện đầy đủ thông tin, logo, địa chỉ... của cả nhà bán lẻ và đơn vị sản xuất nên khách hàng có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.