Hàng ngàn vụ cháy đã xảy ra, hàng trăm người bị thiệt mạng, bao nhiêu cán bộ mất chức? ​

Sáng nay, 13-11, Quốc hội họp phiên toàn thể, giám sát tối cao việc thi hành pháp luật trong công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC). 

 

ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) bức xúc: “Báo cáo giám sát cho thấy hàng ngàn vụ cháy đã xảy ra, hàng trăm người bị thiệt mạng, nhiều ha rừng, cơ sở vật chất bị thiêu rụi, nguyên nhân chủ quan trong các vụ việc này rất lớn, nhưng đã có bao nhiêu cán bộ bị kỷ luật, bị mất chức, bị xử lý liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước trong công tác PCCC”?

Thảo luận về vấn đề này, nhiều ĐBQH hết sức băn khoăn về 2.662 công trình có nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC và coi đây là một tín hiệu đáng báo động về sự buông lỏng quản lý nhà nước.

ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa)

Trong khi đó, theo ĐB Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An), người dân còn rất thiếu kiến thức về PCCC lẫn kỹ năng đối phó khi xảy ra cháy. Theo ĐB, cần chú trọng hơn nữa công tác tuyên truyền về PCCC, đa dạng hoá nội dung và hình thức tuyên truyền bằng cách đưa vào chương trình dạy học, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng...

Đồng ý với nhận định về hạn chế về kiến thức và kỹ năng PCCC, ĐB Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) đề nghị đặc biệt quan tâm đến công tác PCCC trong các trường học, lớp mầm non. “Tuy số vụ cháy tại các trường học chỉ chiếm 0,11% số vụ, nhưng vẫn rất đáng lo ngại, vì trường học là nơi mật độ người đông, nhiều trường tư thục, lớp mầm non lại được cải tạo từ nhà dân, không đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC”, ĐB Thảo lý giải.

Dẫn chứng 2 trường hợp rất cụ thể ở Hà Tĩnh, ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) nhấn mạnh, trước khi đổ lỗi cho các nguyên nhân khách quan thì cần khắc phục triệt để lỗi chủ quan của con người. “Nếu như những biểu hiện cực đoan của thời tiết là nguyên nhân khách quan, thì hàng chục vụ cháy rừng gây hậu quả nghiêm trọng đều bắt nguồn từ sự bất cẩn của con người”, ĐB Cao Thị Xuân bình luận. Những vụ việc như vậy không chỉ làm đất nước mất rừng, mà còn đẩy những người nông dân thiếu hiểu biết vào vòng lao lý. ĐB Cao Thị Xuân hoàn toàn đồng tình với nhận xét nêu tại báo cáo giám sát rằng công tác tuyên truyền “làm nhiều nhưng đọng lại ít”, mới chỉ tập trung tuyên truyền ở các địa bàn thành phố, thị trấn; còn những địa bàn ở xa thì chưa thực sự được quan tâm, thậm chí có nơi còn “bỏ trống địa bàn”.

Bên cạnh đó, đề cập đến hàng ngàn công trình có nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC, ĐB đề nghị Chính phủ, Bộ Công an và chính quyền địa phương phải siết chặt công tác kiểm tra, xử lý theo quy định.

Nhắc lại vụ việc cách đây 3 năm, cũng thời điểm Quốc hội đang họp thì xảy ra vụ cháy tại quán karraoke trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội, hậu quả rất thương tâm, ĐB Xuân bức xúc: “Báo cáo giám sát cho thấy hàng ngàn vụ cháy đã xảy ra, hàng trăm người bị thiệt mạng, nhiều ha rừng, cơ sở vật chất bị thiêu rụi, nguyên nhân chủ quan trong các vụ việc này rất lớn, nhưng đã có bao cán bộ bị kỷ luật, bị mất chức, bị xử lý liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước trong công tác PCCC”?

Gần 2.700 công trình nguy hiểm về cháy, nổ chưa được thẩm duyệt

Theo báo cáo giám sát được Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt trình bày trước Quốc hội, giai đoạn 2014 - 2018, trung bình mỗi năm xảy ra 3.287 vụ cháy, làm chết 87 người, bị thương 206 người, thiệt hại về tài sản trị giá 1.631,2 tỷ đồng và 1.615,5 ha rừng. Trung bình mỗi ngày xảy ra 9 vụ cháy, làm chết hoặc bị thương 1 người, thiệt hại về tài sản ước tính 4,4 tỷ đồng và 5,3 ha rừng.

Trong công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC và việc ban hành, thực hiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn PCCC, hiện nay, Việt Nam có tổng cộng 188 tiêu chuẩn, quy chuẩn Quốc gia về PCCC; trong đó có 68 tiêu chuẩn, quy chuẩn Quốc gia chuyên ngành về PCCC, 120 tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan đến PCCC.

Tuy nhiên, nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn có những nội dung không còn phù hợp tình hình hiện nay nhưng chậm được rà soát, sửa đổi, bổ sung; có những loại hình cơ sở có tính chất đặc thù nhưng chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC, phải vận dụng tiêu chuẩn nước ngoài nên gặp phải những khó khăn do thiếu đồng bộ giữa hệ thống cơ sở hạ tầng, khoa học kỹ thuật của Việt Nam và các quốc gia này.

Trong giai đoạn giám sát, toàn quốc đã thẩm duyệt PCCC đối với 58.504 dự án, công trình; tổ chức nghiệm thu về PCCC cho 29.230 dự án, công trình. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 2.662 công trình có nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC; tính đến tháng 7-2018, còn 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã được chủ đầu tư đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC.

Tin cùng chuyên mục