20 năm Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam
“Bảo vệ, chăm sóc, dạy dỗ trẻ em tàn tật, tạo điều kiện để trẻ có thể tự lao động nuôi sống bản thân, giúp ích gia đình và xã hội, sống hòa nhập, bình đẳng với cộng đồng” là mục tiêu cao nhất của tổ chức Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam, chính thức hoạt động đến nay đã gần 20 năm. Chủ tịch đương nhiệm là Anh hùng lao động - Nhà giáo nhân dân - Giáo sư - TSKH Nguyễn Tài Thu.
Đến nay, hội đã thành lập được 3 cấp hội địa phương (TPHCM, Hà Nội, Phú Yên), 66 chi hội trực thuộc trung ương hội và hội địa phương, cùng 26 trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật (cấp quận huyện, thành phố thuộc tỉnh và thị xã trong cả nước), 5 nhà cứu trợ trẻ em tàn tật cấp xã phường… Trong đó, trung tâm đầu mối làm nhiệm vụ tuyến cuối chữa bệnh, phục hồi chức năng trẻ khuyết tật đặt tại Khoa nhi Bệnh viện Châm cứu Trung ương. Đề cập nhiệm vụ của hội, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký hội Nguyễn Bá Thuyết nêu bật, đó là việc vận động, tập họp sự ủng hộ, giúp đỡ, tài trợ của các đơn vị, tổ chức, tập thể, cá nhân của toàn xã hội để tổ chức các cơ sở nuôi ăn, khám chữa bệnh, chữa tật, phục hồi chức năng, dạy chữ, dạy nghề, tạo việc làm miễn phí cho trẻ em tàn tật.
Trong hành trình đong đầy tình nhân ái, sự nhẫn nại, bền bỉ là sự đóng góp âm thầm, không đòi hỏi đãi ngộ, không nhận thù lao của 372 cán bộ và hội viên tự nguyện của hội (gồm các y bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, lương y, nhà giáo, nhà hoạt động xã hội, nghệ sĩ, nghệ nhân…) tình nguyện làm việc trực tiếp hàng ngày tại các cơ sở của hội để chăm sóc, chữa trị, dạy dỗ … trẻ tàn tật.
Với những hoạt động hiệu quả trong điều kiện khó khăn nhiều bề, trong gần 20 năm qua, hội đã vận động tài trợ được hơn 28,3 tỷ đồng từ các tổ chức trong và ngoài nước, các nhà hoạt động từ thiện, doanh nghiệp… Trong đó có nhiều tổ chức nước ngoài như: Maryknoll, Atlantic Philanthroples (Mỹ), Dragon Blue (Australia), Lev (Đan Mạch), Hội Vitam (Pháp), Câu lạc bộ Phụ nữ quốc tế, nhiều đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam. Nhờ tiền tài trợ từ các nguồn, hội có điều kiện trang bị dần nhiều thiết bị chuyên dùng, xây dựng mở rộng các trung tâm và nhà cứu trợ.
Kết quả, có hơn 35.000 lượt trẻ em khuyết tật được chữa bệnh, chữa tật, cấp thuốc điều trị và nuôi ăn (miễn phí trong quá trình điều trị), phục hồi chức năng bằng các phương pháp nội khoa như châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, vật lý trị liệu tại các trung tâm, nhà cứu trợ… của hội. Trong đó, có 3.376 trẻ em tàn tật ở các tỉnh Điện Biên, Hà Giang, Lai Châu được nuôi ăn, dạy dỗ, phục hồi chức năng. 5 gia đình nghèo có trẻ em tàn tật ở tỉnh Yên Bái đã nhận được 5 con nghé từ sự giúp đỡ của cộng đồng người Việt tại Đan Mạch. Hội đã tặng 17.168 chiếc xe lăn, xe lắc tay, dụng cụ hỗ trợ trẻ em và người tàn tật tại các tỉnh Nam Định, Phú Thọ, Thanh Hóa, Đồng Tháp, Bình Dương, Đồng Nai và TPHCM.
Với nỗ lực bền bỉ, bước đầu đã có 2.300 trẻ em tàn tật đã khỏi tật, phục hồi chức năng cơ thể. Ngoài ra, hội còn tổ chức các hoạt động dạy chữ, dạy nghề (đan mây tre, thêu ren, kim hoàn, mỹ nghệ, tin học, âm nhạc, hội họa, xiếc ảo thuật, múa rối nước… cho hàng trăm trẻ em tàn tật, giúp việc làm để có thu nhập tự nuôi sống mình và dần hòa nhập cộng đồng. Rất nhiều em đã tự tin với kỹ năng âm nhạc, xiếc ảo thuật và tham gia các nhóm ca nhạc, nhóm xiếc lưu động nhỏ thường xuyên biểu diễn tại các tụ điểm giải trí, văn hóa, phòng trà… tại TPHCM và nhiều tỉnh thành khác. Đặc biệt có 211 em tàn tật có năng khiếu hội họa đã tham gia triển lãm và bán được tranh với giá cao.
PHÚ HÒA