Hàng ngàn tàu thuyền, hàng chục ngàn lao động trên biển có kịp vào bờ “chạy” bão?

Trong khi Thừa Thiên - Huế phải di tản 26.977 người đến nơi an toàn trước 19 giờ hôm nay, thì Nghệ An và Thanh Hóa có ít nhất 2.000 tàu thuyền, 26.000 lao động từ biển đang trên đường vào bờ. Trong khi đó, hàng chục chiến sĩ công an Hà Tĩnh hối hả phụ giúp người nông dân thu hoạch lúa mùa "chạy" bão.

* Thừa Thiên - Huế di dời gần 27.000 người trước 19 giờ hôm nay

Chiều 14-9, ngoài việc triển khai các biện pháp khẩn cấp đối phó với bão số 10, chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế bắt đầu triển khai công tác di dời người dân đi tránh bão.

Sẽ tiến hành sơ tán dân tại các vùng nguy hiểm với khoảng 26.977 nhân khẩu/106.104 hộ. Dự kiến đến 19 giờ ngày 14-9, sẽ hoàn thành việc sơ tán, di dời dân ở vùng ven biển, cửa sông và đầm phá đến nơi an toàn.

Hàng ngàn tàu thuyền, hàng chục ngàn lao động trên biển có kịp vào bờ “chạy” bão? ảnh 1 Ngư dân Thừa Thiên - Huế ràng néo tàu thuyền tránh bão
Hàng ngàn tàu thuyền, hàng chục ngàn lao động trên biển có kịp vào bờ “chạy” bão? ảnh 2 Người dân các xã bãi ngang đưa thuyền bè từ biển vào khu dân cư tránh bão 

Bên cạnh đó, Thừa Thiên - Huế đã chủ động dự trữ hàng hóa phòng chống bão lụt năm 2017 với hơn 100 tấn gạo, 100 tấn mì tôm, 100.000 lít xăng, 100.000 lít dầu diezel và 30.000 lít dầu hỏa…

Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo các địa phương chủ động dự trữ lương thực và hướng dẫn người dân ở các cùng sâu, vùng xa, vùng ngập lụt chủ động dự trữ các nhu yếu phẩm thiết yếu tối thiểu 7 ngày cho gia đình để không thiếu đói khi bão lụt xảy ra.

Hiện 100% tàu thuyền hoạt động trên biển của Thừa Thiên - Huế đã vào bờ tránh trú bão. Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ra lệnh đóng cửa biển, không cho tàu thuyền ra khơi từ trưa 14-9.

Hà Tĩnh: Công an giúp nhân dân thu hoạch lúa mùa tránh bão số 10

Trong ngày 14-9, khi bão số 10 đang áp sát đất liền, tỉnh Hà Tĩnh vẫn còn gần 1.300ha lúa hè thu chưa thu hoạch. Trước tình hình đó, bà con nông dân đang đội mưa, hối hả ra đồng tổ chức gặt lúa chạy bão để tránh thiệt hại.

Để chia sẻ với sự vất vả của bà con nông dân, ngay trong ngày 14-9, có hơn 50 cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh đã trực tiếp hướng về cơ sở giúp đỡ bà con nhân dân nhanh chóng thu hoạch và vận chuyển lúa ở ngoài đồng về nhà.

Hàng ngàn tàu thuyền, hàng chục ngàn lao động trên biển có kịp vào bờ “chạy” bão? ảnh 3 Cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh đang giúp nhân dân gặt lúa chạy bão
Ngay từ khi trời chưa sáng hẳn, mặc dù thời tiết trời mưa và nắng thất thường nhưng cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Hương Sơn không hề quản ngại khó khăn, vất vả để gặt lúa giúp nhân dân. 
Những chiếc xe chở lúa, những bao lúa được đưa về đến tận nhà đã góp phần giúp cho bà con nhân dân vơi đi những âu lo trước mùa mưa bão.
Hàng ngàn tàu thuyền, hàng chục ngàn lao động trên biển có kịp vào bờ “chạy” bão? ảnh 4 Giúp dân vận chuyển lúa về nhà
Bên cạnh đó, Công an huyện Hương Sơn cũng đã sẵn sàng lực lượng, chuẩn bị các phương tiện di dời dân khi cần thiết, đảm bảo an toàn giao thông, nhất là tại các bến đò ngang...
Được biết, đến nay tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành thu hoạch được hơn 40.000/44.000ha lúa hè thu, đạt trên 97% kế hoạch. Tỉnh Hà Tĩnh đang chỉ đạo chính quyền các địa phương, cơ quan ban ngành khẩn trương huy động nhân lực và động viên bà con nhân dân tranh thủ ra đồng thu hoạch hết số diện tích còn lại để tránh thiệt hại.

* Người dân các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa hối hả chạy bão

Ngư dân Cửa Lò (Nghệ An) neo đậu tàu thuyền tránh bão số 10

Theo ghi nhận, tại các địa phương ven biển như: Cửa Lò, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu,… (Nghệ An), một không khí chung đang diễn ra là người trên bờ lo chằng chống nhà cửa, người dưới cảng, âu tàu thuyền lo neo đậu tàu thuyền.

Việc cấm biển, cấm tàu thuyền ra khơi đã được tỉnh Nghệ An thực hiện nghiêm từ sáng 14-9. Nghệ An có 4.016 tàu thuyền, trong đó phần lớn đã vào bờ an toàn, còn 887 tàu thuyền với 6.378 lao động đang trên đường vào bờ. Dự kiến chiều nay toàn bộ tàu thuyền cùng ngư dân sẽ vào bờ neo đậu an toàn.

Hàng ngàn tàu thuyền, hàng chục ngàn lao động trên biển có kịp vào bờ “chạy” bão? ảnh 6 Việc neo đậu tàu thuyền được làm khẩn trương  

Đối với tàu cá NA 2506 TS (của ngư dân huyện Diễn Châu) bị đâm vào đá ngầm chiều 13-9, Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã đưa tàu cùng ngư dân vào bờ an toàn.

Hàng ngàn tàu thuyền, hàng chục ngàn lao động trên biển có kịp vào bờ “chạy” bão? ảnh 7 Một ngư dân Cửa Lò đưa thuyền thúng vào sâu trong đất liền, tránh bị sóng, gió cuốn đi

Trong cuộc họp trực tuyến với Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai sáng nay, tỉnh Nghệ An đề nghị Trung ương cho tàu cứu hộ cứu nạn có công suất lớn vào túc trực tại cảng Cửa Lò để ứng phó với các tình huống cấp thiết.

Hàng ngàn tàu thuyền, hàng chục ngàn lao động trên biển có kịp vào bờ “chạy” bão? ảnh 8 Người dân ra bãi biển lấy cát bỏ vào bao đem về chắn mái nhà

Tại Thanh Hóa, đến sáng 14-9, trong số 7.409 tàu thuyền với 27.190 lao động hoạt động trên biển đã có 6.177 phương tiện với 6.958 lao động đã vào neo đậu tại các bến trên địa bàn an toàn. Số tàu thuyền và lao động còn lại đã nắm được thông tin và đang vào nơi tránh trú bão.

Riêng 3 tàu cá của ngư dân xã Hoằng Trường (huyện Hoằng Hóa) bị mất liên lạc khi đang đánh bắt trên Vịnh Bắc bộ, các cơ quan chức năng đang tìm cách liên lạc. Đó là các tàu của ông Lê Văn Lực với 11 ngư dân, tàu của ông Lê Văn Sòng với 11 ngư dân và tàu của ông Lê Văn Còng với 11 ngư dân.

Hàng ngàn tàu thuyền, hàng chục ngàn lao động trên biển có kịp vào bờ “chạy” bão? ảnh 9 Nông dân Thanh Hóa xuống đồng gặt lúa chạy bão số 10

Tại các vùng trọng điểm về lúa và hoa màu của Thanh Hóa như các huyện: Nông Cống, Quảng Xương, Đông Sơn,… người dân cùng với sự hỗ trợ của máy móc đồng loạt xuống đồng thu hoạch.

* Quảng Trị: Đình chỉ mọi cuộc họp để tập trung chống bão 

Trưa 14-9, ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, công tác phòng chống cơn bão số 10 trên địa bàn đang được triển khai khẩn trương. Trong đó, đình chỉ tất cả các cuộc họp từ tỉnh đến xã để chuẩn bị ứng phó bão lụt; cho học sinh tất cả các cấp nghỉ học từ chiều nay và ngày mai, tập trung các giáo viên và học sinh các cấp phổ thông trung học vận chuyển trang thiết bị trong trường học lên vị trí cao, chằng chống trường lớp an toàn, sử dụng bao ni-lon bao bọc tài liệu dễ hư hỏng đến nơi khô ráo; rà soát kiểm tra neo đậu tàu thuyền sao cho khoa học tránh gây va đập khiến tàu thuyền hư hại. Đồng thời, yêu cầu lực lượng biên phòng và chính quyền địa phương kiểm tra kiên quyết không để người dân sống trên tàu thuyền. “Cố gắng làm thế nào đó để không xảy ra thiệt hại về tình mạng của người dân, đó là điều đặt lên hàng đầu, về tài sản thì có biện pháp không để tổn thất lớn xảy ra”, ông Chính nói.

Hàng ngàn tàu thuyền, hàng chục ngàn lao động trên biển có kịp vào bờ “chạy” bão? ảnh 10 Di chuyển đồ đạc từ tàu thuyền tránh bão lên bờ.

Đến sáng 14-9, tỉnh Quảng Trị đã kêu gọi được 2.258 thuyền vào khu vực neo đậu an toàn, nhưng vẫn còn 54 tàu thuyền cùng 550 người đang hoạt động đánh bắt xung quanh đảo Cồn Cỏ và khu vực Vịnh Bắc Bộ. Để đảm bảo an toàn cho người dân trong cơn bão số 10, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Quảng Trị cũng đã xây dựng kế hoạch sơ tán dân đối với bão cấp 8, cấp 9 tránh đổ bộ trực tiếp là 3.381 hộ với 7.710 người tập trung ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng, riêng với đảo Cồn Cỏ nếu bão đổ bộ trực tiếp thì phải sơ tán toàn bộ số người có trên đảo vào các vị trí trú ẩn an toàn. Đối với trường hợp bão mạnh, siêu bão sẽ tiến hành sơ tán 139.877 người trong đó di dời tại chỗ trong dân là 74.749 người, sơ tán đến địa điểm tập trung là 65.128 người.

Hàng ngàn tàu thuyền, hàng chục ngàn lao động trên biển có kịp vào bờ “chạy” bão? ảnh 11
 
Hàng ngàn tàu thuyền, hàng chục ngàn lao động trên biển có kịp vào bờ “chạy” bão? ảnh 12 Ngư dân Quảng Trị neo đậu tàu thuyền vào các âu thuyền tránh bão
Trong khi đó, toàn tỉnh Quảng Trị hiện còn gần 1.400 ha lúa chưa thu hoạch, tập trung chủ yếu ở huyện Cam Lộ (467 ha), Hướng Hoá (470 ha), Đakrông (339 ha) và TP Đông Hà (110 ha) và một số ít ở các địa phương khác. Đây là diện tích lúa gieo cấy chậm hơn lịch thời vụ của tỉnh 20 – 25 ngày, nếu không thu hoạch kịp thời sẽ bị thiệt hại do mưa bão. Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị đã đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố và đơn vị liên quan tập trung động viên nông dân tranh thủ thời tiết thuận lợi để ra đồng thu hoạch nhanh lúa, hoa màu. Đối với diện tích lúa đã chín 80-85%, cần tranh thủ gặt để hạn chế thiệt hại do mưa bão gây ra. Huy động mọi lực lượng, phương tiện để giúp dân khẩn trương thu hoạch nhanh gọn diện tích lúa hè thu vừa chín tới, đồng thời có phương án tổ chức sấy lúa khi gặt về, cất trữ kịp thời ở nơi cao ráo, không bị ngập lụt. Sở NN-PTNT cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị xây dựng phương án để xử lý, thoát nước cho diện tích lúa, hoa màu gần thu hoạch và các cây công nghiệp, cây ăn quả, đặc biệt là cây hồ tiêu có nguy cơ bị ngập lụt để tránh thiệt hại, phát sinh dịch bệnh. Với vùng rau màu, khuyến cáo nông dân khơi thông, nạo vét mương mán, rãnh thoát nước để hạn chế cây chết; chuẩn bị hạt giống rau màu để sẵn sàng gieo trồng lại khi thời tiết thuận lợi nhằm đảm bảo nguồn cung rau cho sinh hoạt và tiêu thụ trên thị trường.

Tin cùng chuyên mục