Hàng ngàn sinh viên sư phạm bị nợ tiền sinh hoạt phí

Nghị định 116/NĐ-CP ngày 25-9- 2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm (Nghị định 116) có hiệu lực từ ngày 15-11-2020. Theo đó, sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường. Thế nhưng, hiện có hàng ngàn sinh viên ngành sư phạm ở nhiều trường vẫn chưa nhận được mức hỗ trợ này.

Mòn mỏi chờ... sinh hoạt phí

Đại diện Phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, cho biết, hiện toàn trường có 3.913 sinh viên chưa nhận tiền hỗ trợ sinh hoạt phí. Nhà trường đã có báo cáo và kiến nghị với Bộ GD-ĐT về vấn đề này. Hiện chỉ có tỉnh Long An và tỉnh Ninh Thuận phối hợp với nhà trường để giải quyết thỏa đáng quyền lợi cho sinh viên.

4b-1232.jpg
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM tham gia hội thao do trường tổ chức. Ảnh: THANH HÙNG

Trường ĐH Sài Gòn cũng có gần 1.600 sinh viên ngành sư phạm trong 3 khóa đăng ký hưởng chính sách theo Nghị định 116. Ở mỗi khóa, trường đều gửi thông tin đến sở GD-ĐT và UBND các tỉnh, thành phố nhưng hầu hết không phản hồi. Chỉ có tỉnh Long An và Ninh Thuận thông báo đặt hàng đào tạo giáo viên đối với 34 sinh viên trong năm 2021, và các em này đã được chi trả học phí, sinh hoạt phí đợt 1; sắp được chi trả đợt 2. Năm 2022 và 2023, tỉnh Long An đã gửi thông báo đặt hàng đào tạo giáo viên và đang thực hiện các bước tiếp theo để chi trả học phí, sinh hoạt phí cho các sinh viên. Với số còn lại, nhà trường đã gửi đơn vị chủ quản là UBND TPHCM để giải quyết hỗ trợ. Ba năm qua, Trường ĐH Sài Gòn đều làm đúng quy trình nhưng hiện còn hơn 1.500 sinh viên chưa được nhận hỗ trợ.

Trong khi đó, theo phản ánh của nhiều sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, từ sau đợt chi trả cho học kỳ 1 năm thứ nhất vào sát Tết Nguyên đán năm ngoái, các em chưa nhận được thêm khoản hỗ trợ nào.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tỷ lệ sinh viên được địa phương đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên chỉ chiếm 17,4% so với số sinh viên nhập học và chiếm 24,3% so với tổng số sinh viên đăng ký hưởng chính sách (số sinh viên đăng ký hưởng chính sách là 30.807, trong khi số lượng các địa phương đặt hàng là 1.928 và giao nhiệm vụ là 5.563). Số địa phương thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu là 23/63 tỉnh, thành phố.

Sớm sửa quy định

Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, có 6 cơ sở đào tạo đã được các địa phương sở tại, lân cận đặt hàng đào tạo giáo viên nhưng chưa chi trả kinh phí, hoặc mới trả kinh phí một phần rất nhỏ (trong đó có 2 trường trọng điểm là Trường ĐH Sư phạm Hà Nội với 13 chỉ tiêu; Trường ĐH Sư phạm TPHCM với 51 chỉ tiêu), ảnh hưởng đến kinh phí đào tạo, kinh phí hỗ trợ cho sinh viên sư phạm và gây mất công bằng giữa các sinh viên sư phạm thực hiện theo cơ chế đặt hàng/giao nhiệm vụ/đấu thầu và sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội.

Bên cạnh đó là khó khăn, vướng mắc từ việc phân bổ kinh phí hỗ trợ cho sinh viên sư phạm. Hàng năm, Bộ Tài chính chỉ giao khoảng 54% so với nhu cầu kinh phí cấp cho sinh viên sư phạm của các cơ sở đào tạo giáo viên thuộc Bộ GD-ĐT. Vì vậy, kinh phí cấp cho sinh viên sư phạm luôn chậm so với kế hoạch đào tạo, dẫn đến khó khăn cho cơ sở đào tạo giáo viên và sinh viên sư phạm. Nhiều địa phương không đủ kinh phí để triển khai thực hiện đặt hàng/giao nhiệm vụ/đấu thầu đào tạo giáo viên.

Theo phân tích của Bộ GD-ĐT, việc chi trả kinh phí hỗ trợ cho sinh viên sư phạm từ địa phương khác đến học không phù hợp với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, vì kinh phí địa phương nào thì chỉ dùng để đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đó, không chi cho các đối tượng ngoài địa phương. Việc đào tạo một sinh viên sư phạm mất 3 năm đối với trình độ cao đẳng, 4 năm đối với trình độ đại học; sinh viên sư phạm đào tạo theo tín chỉ có thể kéo dài 7-8 năm, gây khó khăn trong việc xây dựng và báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt dự toán ngân sách hàng năm. Vấn đề này đã từng được đại biểu Quốc hội chất vấn tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vừa qua.

Nhiều ý kiến cho rằng, phương thức địa phương đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên chưa được triển khai ở mức độ và hiệu quả như quan điểm chủ đạo của Nghị định 116. Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhìn nhận, Nghị định 116 bộc lộ một số điểm vướng mắc trong quá trình thực hiện về đặt hàng của các địa phương cũng như việc đấu thầu của các trường đại học và một vài vướng mắc khác. Bộ GD-ĐT đã nhận thấy một số vướng mắc trong nghị định này và đề xuất với Chính phủ cho phép sửa đổi, điều chỉnh Nghị định 116. Hiện việc điều chỉnh Nghị định 116 đã lấy ý kiến xã hội và đang trong giai đoạn hoàn tất để có thể ban hành sớm nhất trong thời gian sắp tới.

Hiện nay, sinh viên học ngành sư phạm có 3 diện: diện nhu cầu xã hội (các bộ, ngành cấp học phí, sinh hoạt phí); diện đào tạo theo đơn đặt hàng (học phí, sinh hoạt phí do địa phương chi trả); diện tự do, không cam kết phục vụ trong ngành (tự đóng học phí và không được hưởng chi phí sinh hoạt phí hàng tháng). Mức học phí của sinh viên các ngành sư phạm hiện nay là 9,8 triệu đồng/năm (toàn khóa là 39,2 triệu đồng), tiền sinh hoạt phí là 3,63 triệu đồng/tháng (1 năm là 36,3 triệu đồng, toàn khóa là 145,2 triệu đồng). Sinh viên theo học diện nhu cầu xã hội và diện theo đơn đặt hàng nếu ra trường không phục vụ trong ngành theo đơn cam kết sẽ phải bồi hoàn học phí và sinh hoạt phí đã nhận.

Tin cùng chuyên mục