Điểm số và số tín chỉ không đạt yêu cầu
TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, cho biết: Năm học 2021-2022, tỷ lệ sinh viên bị cảnh báo và buộc thôi học của nhà trường khoảng 4% (1.200 sinh viên) so với quy mô đào tạo (hơn 30.000 sinh viên). Nguyên nhân chủ yếu là do điểm số và số tín chỉ tích lũy của sinh viên không đạt yêu cầu theo quy chế đào tạo của nhà trường, một phần nhỏ các em tự ý bỏ học.
Việc các sinh viên không đạt được điểm số, số tín chỉ tích lũy hoặc tự ý bỏ học có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do các em không dành nhiều thời gian cho việc học, do chọn ngành chưa phù hợp, một số “bị đuối” do môi trường, phương pháp học tập ở bậc ĐH có sự khác biệt so với bậc phổ thông.
Theo ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM, trường hiện có khoảng 1.000 sinh viên thuộc diện cảnh báo do chưa hiểu rõ quy chế học vụ, điểm số học tập thấp. Ngoài ra, một số sinh viên tự ý nghỉ học vì nhiều lý do khác nhau. Trước đó, năm học 2019-2020, trường cũng có hơn 1.100 sinh viên thuộc diện dự kiến bị cho thôi học do hết thời gian đào tạo tại trường nhưng kết quả học tập chưa đạt yêu cầu học vụ.
Tương tự, TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, cho biết, hiện nay trường đang thực hiện rà soát, cảnh báo học vụ hoặc kỷ luật buộc thôi học một số sinh viên vi phạm kỷ luật, vi phạm quy chế đào tạo do nợ môn, điểm tích lũy không đủ theo quy định hoặc các lý do khác.
Trường cũng có gần 1.000 sinh viên thuộc diện cảnh báo học vụ. Số sinh viên nghỉ học cũng có, nhưng không đáng kể. Ngoài ra, một số sinh viên sau khi trúng tuyển nhận thấy bản thân không phù hợp, không yêu thích ngành trúng tuyển đã bỏ học hoặc chuyển sang hệ đào tạo khác từ năm nhất, tuy nhiên quy chế chưa cho phép buộc thôi học nếu chỉ nghỉ học 1 học kỳ mà phải là nghỉ học đủ 3 học kỳ liên tiếp.
Trong khi đó, nhiều trường ĐH khác, nhất là các trường ĐH tư, số lượng sinh viên bị cảnh báo học vụ cũng vượt qua con số 1.000 sinh viên, và hàng trăm sinh viên tự ý bỏ học không lý do.
Chọn nhầm ngành, nghề
Có nhiều năm làm công tác hướng nghiệp và đào tạo, TS Trần Đình Lý nhìn nhận: Mặc dù chưa được nghiên cứu đầy đủ, nhưng nguyên nhân chủ yếu của tình trạng hàng ngàn sinh viên bị nêu tên cảnh báo học vụ, buộc thôi học là do các em chọn không đúng ngành nghề. Không ít sinh viên đang học bình thường, thậm chí có kết quả tốt sau một thời gian lại nhận ra ngành học không phù hợp, nên phải chuyển ngành hoặc trường.
Theo TS Trần Đình Lý, hiện nay, dù quy chế đào tạo, chính sách tuyển sinh có đổi mới, nhưng vấn đề định hướng nghề nghiệp luôn là cốt lõi. Do đó, thí sinh cần xác định tầm quan trọng của việc chọn ngành, nghề. Khi lựa chọn ngành, nghề cho tương lai, thí sinh nên quan tâm 3 vấn đề. Thứ nhất, nếu chọn nhầm nghề thì dù không bỏ nghề, sớm muộn cũng bị nghề đào thải bất kỳ lúc nào. Thí sinh phải tìm hiểu nghề trước, xem học ngành nào để làm nghề đó, trường nào đào tạo ngành đó. Thứ hai, thí sinh phải cân nhắc nhu cầu việc làm của ngành và các yếu tố tác động khác. Thí sinh không nên chọn những nghề thật cao siêu mà năng lực của mình khó với tới. Nghề nghiệp hiện nay rất đa dạng nhưng năng lực của con người thì có hạn, trong khi giới trẻ lại có quá nhiều ước mơ, mong mỏi. Sự lựa chọn nghề nghiệp đương nhiên là chuyện tự do, tự nguyện.
Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp thí sinh bị lệ thuộc vào quyết định của người khác. Cần nhớ rằng lời khuyên tuy bổ ích, quan trọng, nhưng cũng chỉ dùng để tham khảo. Bản thân các thí sinh phải tự quyết định về tương lai của mình. Thứ ba, thí sinh cần trắc nghiệm khám phá năng lực bản thân, định hướng cho cả cuộc đời (lý thuyết Holland để khám phá năng lực bản thân trong định hướng nghề nghiệp)... Hơn bao giờ hết, thí sinh cần phải ưu tiên cho sở thích, sở trường của mình.
TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng ban Công tác sinh viên (ĐH Quốc gia TPHCM), nhìn nhận: Các trường nên có khảo sát, thăm dò để phân ra các nhóm sinh viên và có giải pháp hỗ trợ kịp thời. Các nguyên nhân sinh viên bị nêu tên cảnh báo học vụ hoặc thôi học có thể gồm: không hiểu về ngành học hoặc bi quan vì trúng tuyển không đúng nguyện vọng ưu tiên cao nhất; chọn nhầm ngành; vì lý do gia đình hoặc bản thân; đi du học. Từ xác định nguyên nhân, nhà trường cần có bộ phận tư vấn giải đáp kỹ hơn về ngành nghề tương lai hoặc giới thiệu các tổ chức hỗ trợ kịp thời.
Trong khi đó, qua nhiều năm tham gia tư vấn tuyển sinh, ThS Phùng Quán, Trưởng phòng Tổ chức hành chính, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM), cho rằng: Nguyên nhân chọn nhầm ngành dẫn đến ngồi nhầm chỗ ở bậc ĐH là do công tác hướng nghiệp. Chính vì vậy, để lấp lỗ hổng này, cần tăng cường chương trình tư vấn hướng nghiệp (hiện nay mới chỉ dừng lại ở công tác tư vấn tuyển sinh) đến học sinh từ cấp 2, chậm nhất là lớp 10, nhằm giúp học sinh chọn đúng nghề, ngành học.
Ngoài ra, chương trình đào tạo hiện nay cũng là một phần nguyên nhân khiến sinh viên cảm thấy chán nản vì mất 1-2 năm học đại cương. Vì vậy, các trường cần xây dựng, điều chỉnh chương trình bằng cách đẩy một học phần kiến thức chuyên ngành vào giảng dạy trong các năm đầu theo cơ cấu phù hợp để sinh viên cảm thấy hứng thú với ngành nghề đang học.